Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch mà Đảng, Nhà nước đang chủ trương phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh kết cấu hạ tầng ngành hàng không chưa đáp ứng được yêu cầu, thì hiện vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” hạ tầng hàng không tại các khu vực đang được quy hoạch thành những trung tâm du lịch lớn của quốc gia.
Theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright, trong 20 năm qua, ngành hàng không đã tăng ngoạn mục tới 16 lần so với năm 2010 về lượng hành khách. Giống như hãng hàng không giá rẻ tư nhân Vietjet, Bamboo Airways hiện đang góp phần tạo ra cạnh tranh của ngành hàng không, vừa tạo điều kiện cho người dân có cơ hội bay, vừa tạo đà cho ngành du lịch phát triển.
Hội thảo "Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam". |
Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch cho hay, từ trước đến nay, hàng không và du lịch đều cần đến nhau để phát triển, vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực vận chuyển nhiều khách du lịch nhất. So với quy hoạch trước đây, đến năm 2020, hàng không mới đạt 10,5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trên thực tế năm 2017 đã đạt 13 triệu; dự báo năm 2020 sẽ đạt 21 triệu. Tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang rất cần đến lực lượng phương tiện cả đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy, trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ lớn nhất.
“Có nhiều đường bay mở ra, chuyến bay nối chuyến mang lượng khách lớn đến Việt Nam và với sự đầu tư hiện nay, lượng khách sắp tới đến Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn, sản phẩm đã hình thành tốt, hạ tầng hình thành tốt, du lịch hàng không là 2 cánh máy bay, sự phát triển của ngành này mang đến sự phát triển của ngành kia”, các chuyên gia nhận định.
Ở góc độ địa phương, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ du lịch mà bộ mặt của Quảng Ninh thay đổi rất đáng kể. Kết thúc năm 2017, Quảng Ninh đã đón trên 9,5 triệu lượt khách. Cùng với sân bay tư nhân ở Vân Đồn, Quảng Ninh hy vọng hãng hàng không của FLC sắp đi vào hoạt động vừa có thể phát triển vận tải hàng không, vừa đóng góp vào du lịch. Rõ ràng, hàng không đang chắp cánh du lịch.
Trước vấn đề được đặt ra là hạ tầng hàng không chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu phát triển hiện nay, ông Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng cụ để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hàng không.
“Thực tế, trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế. Những chỗ nào đông khách, tạo ra nghẽn hạ tầng thì mới cần đầu tư, như Tân Sơn Nhất, Nội Bài...”, ông Tống nói.
Đánh giá về tiềm năng phát triển ngành hàng không, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Kết cấu hạ tầng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ chiến lược phát triển xã hội, kết cấu hạ tầng xác định nhiệm vụ đầu tư các kết cấu hạ tầng cho hàng không nhiều nguồn lực. Hạ tầng giao thông chiếm 30% tổng công trình ưu tiên, hàng không chiếm gần 20% hạ tầng giao thông. Nhà nước rất quan tâm phát triển hạ tầng hàng không.
Vì vậy, để giải “điểm nghẽn” về hạ tầng và tạo cơ hội cho các hãng hàng không mới, các chuyên gia cho rằng: “Nếu không phát triển được cảng hàng không, có nhiều trường hợp máy bay phải bay lòng vòng vì sân đỗ không có, thậm chí ngay cả TP Hồ Chí Minh hay Vinh có sân bay mới cũng như vậy. Cần phải huy động nguồn vốn khác nhau, phát triển cảng hàng không mới. Đồng thời, cần phải phát triển du lịch lữ hành, nếu không phát triển du lịch, không thể phát triển hàng không”.