Hạn chế tối đa lãng phí vốn đầu tư khi quy hoạch sân bay

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các địa phương để lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nhiệm vụ của tư vấn lập quy hoạch là nghiên cứu hệ thống cảng hiện hữu, nhu cầu vận tải, vận dụng kinh nghiệm quốc tế, đề xuất bổ sung các cảng mới... với mục tiêu hạn chế tối đa lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Vì sao hàng loạt địa phương xin xây dựng sân bay

Tỉnh Ninh Bình vừa đề xuất Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào quy hoạch. Vị trí quy hoạch sân bay đặt tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. Tỉnh Hà Giang cũng muốn quy hoạch sân bay tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng, với diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha. Hay tỉnh Bình Phước cũng đã khảo sát vị trí, lấy ý kiến, xin Thủ tướng cho xây sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản và xây dựng sân bay Técníc trở thành sân bay phục vụ cả dân sự. 

Mới đây nhất, tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Bộ GTVT, đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sân bay Kép là sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú thích ảnh
Phát triển nhanh, thu hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều địa phương đã ồ ạt xin bổ xung quy hoạch làm sân bay. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Đây cũng không phải là những tỉnh đầu tiên đề xuất quy hoạch sân bay. Trước đây, cũng đã có các tỉnh, thành phố đề xuất quy hoạch sân bay như: Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng và Hà Nội đề xuất xây sân bay thứ 2... Câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây sân bay từng xảy ra cách đây 10 năm trước, song, không ít sân bay hiện nay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Qua tìm hiểu, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm. Tăng trưởng hàng không gắn liền với tăng trưởng về du lịch, kinh tế xã hội, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người dân về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ, mà còn giúp các địa phương thúc đẩy giao thương, tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, nhiều địa phương đã đua nhau đề xuất xây sân bay. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch mạng lưới hàng không. Đặc biệt, những đề xuất này còn có thể sẽ tạo gánh nặng cho các các sân bay đầu mối đang hoạt động hiện nay. 

Thực tế, trong quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến 2020, định hướng đến 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2018, cả nước có 28 cảng hàng không, gồm 15 cảng quốc nội và 13 cảng quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sân bay đã được đưa vào quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư xây dựng như: Lai Châu, Sapa, Nà Sản, Phan Thiết, Quảng Trị, Rạch Giá.

Quy hoạch sân bay phải đáp ứng cự ly đô thị 

Thực hiện Luật Quy hoạch và đánh giá về tiêu chí đầu tư xây dựng sân bay mới, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, đối với các sân bay mới, căn cứ tính toán hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế, các đơn vị tư vấn đưa ra 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với sân bay mới, gồm: Nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và quan trọng nhất là cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới cảng hàng không lân cận).

Chú thích ảnh
Xây dựng sân bay cần tính toán cự ly các đô thị.

Dự thảo báo cáo quy hoạch cuối kỳ đang được Bộ GTVT soạn thảo, trên cơ sở phân tích và chấm điểm các tiêu chí này, giai đoạn 2021 - 2030, các đơn vị tư vấn đề nghị không bổ sung sân bay mới so với hệ thống mạng sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, nhằm hạn chế lãng phí nguồn vốn đầu tư công và với hệ thống 28 sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt, thì gần 96% dân số Việt Nam có thể tiếp cận được sân bay trong phạm vi 100 km, cao hơn so với trung bình thế giới là 75%.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan về quy hoạch; đồng thời, đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tư vấn, rà soát đề xuất của các địa phương để báo cáo Bộ xem xét, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch quyết định.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, cả nước hiện có 23 sân bay, nhưng chỉ 6 - 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư xây dựng một sân bay cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi nhiều địa phương đều cách sân bay hiện tại không quá xa. Bên cạnh đó, mặc dù đầu tư từ vốn đầu tư công hay xã hội hóa, nếu không hiệu quả đều gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ngoài ra, cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản...

Vân Sơn/Báo Tin tức
Đổ xô mua bán đất sau thông tin quy hoạch sân bay Bình Phước
Đổ xô mua bán đất sau thông tin quy hoạch sân bay Bình Phước

Sau khi có thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng sân bay Téc níc Hớn Quản để xây dựng sân bay lưỡng dụng, giới “cò đất” đã ùn ùn đến khu vực trên để lôi kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến việc phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN