Cụ thể, ông Ngọ Trường Nam cho hay, trong khi các vướng mắc về tài chính vẫn của dự án đã kéo dài và vẫn chưa được giải quyết; việc đưa dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí như điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hàng tháng… nhưng chủ đầu tư sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 (ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành để chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các các tồn tai và vướng mắc mà dự án đang gặp phải.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả thừa nhận việc đóng hầm Hải Vân 2 sau tết sẽ ảnh hưởng người dân, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng đơn vị này "không còn cách nào khác" vì việc đưa dự án vào khai thác, vận hành phát sinh rất nhiều chi phí trong khi các vướng mắc về tài chính chưa được giải quyết.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, đã gần 3 năm trôi qua các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Áp lực tài chính, trả nợ ngân hàng, chi phí vận hành hầm không đảm bảo, trong khi đó khả năng giải quyết bất cập của cơ quan chức năng thường luẩn quẩn làm mất niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) có tổng vốn đầu tư 21.612 tỷ đồng. Theo hợp đồng BOT được Nhà nước ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, vốn BOT là 16.564 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng (chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư).
Nhà đầu tư được sử dụng các trạm thu phí An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân để hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm 5 tháng. Trong quá trình thực hiện dự án, hạng mục hầm Cổ Mã và đường dẫn được chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư BOT.
Sau khi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và thanh toán kinh phí đầu tư hầm Cổ Mã, đường dẫn, phần vốn nhà nước còn lại 1.180 tỷ đồng. Nhà đầu tư còn đề nghị giải quyết tình trạng tranh chấp trạm thu phí Bắc Hải Vân, gây thiệt hại ước tính 486 tỷ đồng.
Căn cứ nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, ngày 23/1/2017 Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 112/TTg-CN đồng ý đưa 1.180 tỷ đồng này để hỗ trợ dự án hầm đường bộ qua đèo Cả.
Tuy nhiên, do thay đổi về kế hoạch phân bổ nguồn vốn, ngày 30/10/2017 Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết số 439/NQ-UBTVQH14 quyết định thu hồi 1.180 tỉ đồng nói trên.
Tháng 8/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 1.180 tỷ đồng để hỗ trợ dự án. Ngày 19/5/2019, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội kế hoạch phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020; trong đó dự kiến phân bổ cho dự án hầm đường bộ qua đèo Cả 1.180 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã ban hành nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019; trong đó “giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án, trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được nguồn ngân sách hằng năm, bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền (riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội) và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có)...”.
Căn cứ nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng VietinBank xây dựng phương án xử lý khoản 1.180 tỷ đồng cho dự án hầm Đèo Cả.
Qua đó, tháng 6 và tháng 9/2020 Bộ Giao thông Vận tải có 2 báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, trước mắt chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án hầm Đèo Cả, phần còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công.
Tuy nhiên đến nay, những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước hỗ trợ dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Mới đây, ngày 28/12/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước theo kế hoạch để hỗ trợ dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký kết.