Đây là 2 tỉnh mới nhất xuất hiện dịch, nâng tổng số tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi lên con số 60.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) và phường Phước Hưng (TP Bà Rịa), toàn bộ số lợn mắc bệnh với 165 con đã phải tiêu hủy.
Trước tình hình dịch, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, khoanh vùng dịch để dịch không lây lan trên diện rộng, nhất là địa phương như huyện Châu Đức - nơi có tổng đàn lợn nuôi lớn nhất của tỉnh.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Vương Long, ngụ thôn 3, xã Suối Rao, là hộ dân có đàn lợn bị chết do dịch tả lợn châu Phi. Đây là trang trại mới được thành lập, đàn lợn mà ông Long vận chuyển về nuôi có xuất xứ từ tỉnh Đồng Nai (địa phương đang có dịch), mà không qua kiểm dịch. Đến ngày 19/6, đàn lợn 12 con của gia đình ông Long được phát hiện nhiễm bệnh và đến ngày 21/6 đã bị tiêu hủy toàn bộ 65 con.
Ông Đỗ Chí Khởi cho biết thêm, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện tại địa phương, UBND huyện Châu Đức đã thành lập thêm 1 chốt kiểm dịch ngay tại vùng có dịch, đến nay tổng cộng địa phương này đã thành lập được 8 chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương có dịch cũng như địa phương chưa có dịch tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết dịch tả lợn châu Phi để phát hiện sớm và thực hiện khai báo bệnh kịp thời cho cơ quan chức năng tại địa phương...
Tại thành phố Bà Rịa, nơi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 2 công tác phòng, chống cũng được khẩn trương triển khai, với nhiều biện pháp tích cực.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã chỉ đạo trạm thú y các địa phương có dịch khoanh vùng dịch trong phạm vi bán kính 1km tại các địa điểm đã xảy ra dịch bệnh để sát trùng, tiêu độc.
Ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm, sau khi phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh, các ban, ngành chức năng kết hợp với các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp như: thành lập các chốt tạm thời ngăn người và phương tiện ra vào ổ dịch; sát trùng phương tiện đi qua ổ dịch; cấp thuốc sát trùng cho xã Suối Rao (huyện Châu Đức) và phường Phước Hưng (thành phố Bà Rịa) triển khai sát trùng cho các hộ chăn nuôi 1 lần/ngày.
Trong thời gian này, tỉnh chỉ cho phép xuất lợn ra khỏi địa bàn xã, phường có dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra gia súc xuất, nhập vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, giá lợn hơi lại xuống thấp, khó tiêu thụ sẽ dẫn đến tình trạng ứ đọng đàn, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, trước thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi đã hạ xuống thấp 33 - 34 nghìn đồng/kg và rất khó tiêu thụ.
Do đó, trong thời gian này, việc kiểm dịch động vật được xác định là hết sức quan trọng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ 51, 55, 56 và chốt kiểm dịch tạm thời tại xã, cử cán bộ chuyên môn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại vùng dịch, vùng uy hiếp dịch để có các giải pháp xử lý tiếp theo.
Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 410.00 con; trong đó 50% là nuôi gia công cho các công ty, 50% là nuôi theo hình thức trang trại và hộ gia đình.
* Tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 25/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xác nhận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng. Hiện huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục theo dõi các diễn biến tiếp theo, khi đủ điều kiện sẽ tổ chức công bố dịch trên địa bàn.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, ngày 21/6, tại 2 hộ chăn nuôi ở thôn An Bình, xã Liên Hiệp xuất hiện tình trạng lợn chết không rõ nguyên nhân. Ngay trong ngày, cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp địa phương đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Tới ngày 23/6, đã có 44 con lợn tại 9 hộ thuộc các thôn An Bình, An Ninh, An Tĩnh và An Hiệp, đều thuộc xã Liên Hiệp bị chết với triệu chứng tương tự.
Theo kết quả báo cáo mới nhất ngày 24/6, số lợn chết và bị tiêu hủy là 82 con, tại trang trại chăn nuôi của 13 hộ dân tại 4 thôn trên. Tổng đàn lợn đang chăn nuôi tại 13 hộ này được xác định là 3.398 con…
Ông Nguyễn Văn Châu cho biết, sau khi có kết quả xác định chính thức bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tại tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND tỉnh cũng các ngành chức năng đã tổ chức đoàn công tác xuống địa bàn kiểm tra thực tế và triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm bao vây khoanh vùng và tổ chức dập dịch.
Chi cục Thú y tỉnh đã cấp bổ sung 520 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho huyện Đức Trọng để tập trung phòng chống dịch; huyện Đức Trọng ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, đồng thời thành lập 2 chốt kiểm dịch ở 2 đầu cửa ngõ vào khu vực có dịch.
Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng tham mưu cho tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tả lợn châu Phi cấp tỉnh; đồng thời cử cán bộ xuống tăng cường cho huyện Đức Trọng phòng chống dịch. Hiện tỉnh cũng đã dự trữ và cung cấp cho các địa phương 23.000 lít hóa chất để tăng cường phòng chống dịch.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến cáo người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm từ thịt lợn; các hộ chăn nuôi khi xác định triệu chứng bất thường trên đàn lợn cần báo cáo ngay tới chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, không giấu dịch, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn mắc bệnh.
* Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang trở thành nỗi lo lớn của tỉnh, khi 7/9 huyện, thị xã, thành phố đã xuất hiện bệnh này. Thời điểm hiện nay là mùa mưa, là điều kiện thích hợp cho việc phát tán mầm bệnh trong môi trường thông qua dòng chảy nước mưa, phương tiện vận chuyển, làm lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi trên diện rộng.
Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương, tính từ ngày 20/5/2019, là ngày đầu tiên xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, cho đến ngày 24/6/2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và có hiện tượng lợn chết bất thường ở 221 hộ/trại chăn nuôi của 27 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 12.925 con .
Trong thời gian tới, khả năng phát tán và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng là rất cao và bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra ở các địa phương còn lại trong tỉnh, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, dọc các trục lộ giao thông; chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học và sử dụng thức ăn thừa. Đồng thời có khả năng mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ xâm nhập vào các trang trại quy mô lớn ở tỉnh.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, nhằm tiếp tục ngăn chặn, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng hơn, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động huy động, thành lập chốt kiểm soát và tổ, đội phản ứng nhanh xử lý lợn bệnh và tiêu hủy heo theo đúng quy định; không để tình trạng vứt xác heo ra môi trường. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường các hoạt động kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào trong và ngoài vùng dịch.