Hải Dương khẩn trương cải tạo, bảo đảm an toàn hồ, đập

Trong những năm qua, việc cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình các hồ chứa tại tỉnh Hải Dương đã được quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều công trình xuống cấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão.

Chú thích ảnh
Hồ Chín Thượng (xã Bắc An, thành phố Chí Linh) nơi được người dân phản ánh có tình trạng rò rỉ khoảng 5 năm gần đây, sắp tới sẽ được sửa chữa và nâng cấp. 

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 68 hồ chứa nước cung cấp nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt, tập trung ở thành phố Chí Linh. Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương quản lý 8 hồ gồm: Phú Lợi, Bến Tắm ngoài, Suối Găng, Láng Trẽ, Hố Vễn, Chóp Sôi, Chín Thượng và hồ Trại Sen, đều là các công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu.

Theo ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, phần lớn các hồ đều được xây dựng từ khá lâu, các hạng mục công trình hồ chứa xây dựng đơn giản và nay đã lạc hậu. Thân đập hầu hết được làm bằng đất. Một số hồ có tràn xả lũ bằng đất, chảy tự do, chưa có cánh phai điều tiết. Công ty đã thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình để từng bước cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình đã xuống cấp.

Hồ Chín Thượng thuộc xã Bắc An, thành phố Chí Linh đang phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất canh tác. Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng bồi lắng và rò rỉ đã xảy ra mấy năm gần đây nhưng chưa được khắc phục triệt để.

Ông Dương Đức Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bắc An cho biết: “Nếu tình trạng này không được quan tâm khắc phục thì ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ Đông. Trước mắt, cần tiến hành nạo vét hồ và khắc phục việc rò rỉ”.

Còn tại xã Lê Lợi (thành phố Chí Linh), nhiều năm nay, hồ Hố Vễn cũng đã xảy ra tình trạng bị bồi lấp và bị lấn chiếm dẫn đến lòng hồ bị thu hẹp và làm giảm khả năng chứa nước. Theo ông Nguyễn Huy Thơm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lê Lợi, trước thực trạng này, người dân đã rất nhiều lần có ý kiến, mong mỏi cấp trên nghiên cứu và sớm có phương án hỗ trợ cải tạo hồ.

Việc cải tạo các hồ cũng đã được quan tâm nhưng triển khai từ nhiều năm trước. Hồ Phú Lợi được cải tạo, nâng cấp tràn xả lũ vào năm 2004. Hồ Suối Găng và Láng Trẽ đã được nạo vét lòng hồ, nâng cấp thân đập, cống tưới và tràn xả lũ năm 2009 - 2010 và năm 2015. Hồ Hố Vễn nâng cấp cống tưới, chống thấm thân đập năm 2012. Hồ Chín Thượng được sửa chữa một số hạng mục từ năm 2008… Hiện vẫn còn một số hồ chưa được nâng cấp nên chưa phát huy hiệu quả sản xuất và khiến công tác quản lý, khai thác gặp nhiều khó khăn.  

Theo đánh giá của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, bên cạnh việc các hồ xuống cấp, một khó khăn khác ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành các hồ hiện nay chính là tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chưa được giải quyết dứt điểm. Thêm vào đó, một số hồ vẫn chưa có thiết bị quan trắc, đo đếm lưu lượng nước, kiểm định, hầu hết vận hành thủ công và quan sát bằng mắt thường. Trong 8 hồ do xí nghiệp quản lý, có 7 hồ chưa có nhà quản lý cho công nhân vận hành.

Chú thích ảnh
Hồ Trại Sen (phường Văn An, thành phố Chí Linh) trong danh mục sẽ được sửa chữa và nâng cấp.

Ngày 9/11/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định 4638/QĐ-BNN-HTQT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (WB8) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tiếp đó, ngày 1/9/2016, Bộ đã có công văn về việc thống nhất danh mục các hồ chứa thuộc Tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Hải Dương gồm 11 hồ trên địa bàn tỉnh Hải Dương gồm các hồ: Phú Lợi, Hố Vễn, Trại Sen, Chín Thượng, Cánh Gà, Hố Dầu, Nghè Lấm, Lộc Đa, Bến Tắm ngoài, Đá Trắng và Hố Gỗ.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, hiện những công việc liên quan đến triển khai dự án đã cơ bản hoàn tất. Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng điều hành dự án 3, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, hiện Ban đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp kỹ thuật.

Các giải pháp chính gồm gia cố, nâng cấp để nâng cao an toàn đập, gia cố mái đập thượng, hạ lưu, gia cố cống, tràn xả lũ và các hệ thống cầu trên kênh, gia cố các đường quản lý vận hành… để tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, vận hành đập, tạo điều kiện cho sản xuất, dân sinh, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch.

Dự kiến, quý 1 và quý 2/2020 sẽ triển khai thiết kế thi công, quý 3/2020 sẽ chọn nhà thầu và sớm triển khai công trình đảm bảo đúng quy định dự án đã được nhà tài trợ và ủy ban nhân dân tỉnh cam kết.

Trong lúc chờ dự án được triển khai, để bảo đảm an toàn hồ, đập mùa mưa lũ, hàng năm, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi thành phố Chí Linh tăng cường kiểm tra, phối hợp với các xã, phường, các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

Đồng thời, thành lập tổ quản lý hồ, phân trách nhiệm cho các cá nhân, tập thể phụ trách trực tiếp từng hồ, quản lý vận hành; bảo dưỡng các thiết bị; phát quang cây cối trên thân đập, nạo vét cống tưới, máng tràn, kiểm tra các nguy cơ tiềm ẩn lún, nứt, thấm và các biểu hiện bất thường để kịp thời có biện pháp khắc phục.

“Song song với sự quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc ngăn chặn và giải tỏa các vi phạm hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là ở các công trình hồ đập”, ông Nguyễn Văn Bột nêu ý kiến.

Bài và ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Nhiều hồ, đập Nghệ An xuống mực nước chết
Nhiều hồ, đập Nghệ An xuống mực nước chết

Tình trạng hạn hán kéo dài khiến nhiều hồ, đập thủy lợi ở tỉnh Nghệ An trơ đáy hoặc xuống mực nước chết. Hàng vạn ha lúa sắp vào thời kỳ làm đòng có nguy cơ không thể trổ bông do thiếu nước, hơn 3.000 ha hoa màu cũng trong tình trạng héo khô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN