Kể từ khi Chính phủ quyết định triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP với gói giải pháp tài chính trị giá 29.000 tỷ đồng, TP.Hà Nội đã sớm thực hiện nhiều biện pháp nhằm "giải cứu" doanh nghiệp. Nổi bật là hơn 5.150 tỷ đồng giãn, giảm, gia hạn tiền thuế cho 7 vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa như luồng gió mới cứu cánh doanh nghiệp nhanh chóng phát huy tác dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thêm vốn duy trì sản xuất và hồi phục kinh doanh.
Tác động từ gói giải pháp
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động rõ rệt đến các doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 6 Thăng Long (Bộ GTVT) cũng không ngoại lệ. Theo đánh giá của Hội đồng quản trị công ty này thì thiếu vốn thi công, các ngân hàng không cho vay, huy động vốn từ các nguồn khác cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vốn đối ứng sản xuất kinh doanh chủ yếu là dùng tiền ứng trước của công trình, thu hồi nợ cũ, vốn huy động từ cán bộ công nhân viên và cá nhân bên ngoài. Cũng vì khó khăn như vậy mà năm 2011, kết quả sản lượng thực hiện chỉ đạt 112,125 tỷ đồng, thấp 2,5% so với kế hoạch điều chỉnh, thấp hơn 10% so với năm 2010. Dự kiến trong năm 2012, sản lượng của doanh nghiệp cũng chỉ đạt con số 110 tỷ đồng. Lo ngại nhất là khó khăn của Công ty vẫn nằm trong tình trạng thiếu vốn. Cùng cảnh ngộ ấy, Công ty cổ phần Cầu 3 Thăng Long cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Ông Đỗ Văn Đông, Kế toán trưởng Công ty cho biết: Nguồn vốn là khó khăn lớn nhất của công ty trong bối cảnh hiện nay. Vì lãi suất của ngân hàng dù giảm, song vẫn ở mức cao, trong lúc đó, các dự án công ty đã thi công song, đang thi công và sắp triển khai thi công không có vốn để thanh toán. Mà thực tế thì vốn dùng để sản xuất của công ty chủ yếu là vốn vay nên việc đối tác cho vay không phải lúc nào cũng sẵn sàng cung ứng đủ vốn, đầy đủ, kịp thời cho doanh nghiệp…
Sản xuất đồ gỗ dân dụng tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trọng Tín, Khu công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai ( Hà Nội). Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN |
Trong bối cảnh đó, việc Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết 13 chính là cứu cánh giúp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 6 Thăng Long, giảm bớt một phần khó khăn, tạo thêm nguồn vốn.
Theo Nghị quyết 13, doanh nghiệp này được giãn, giảm tiền thuế khoảng 400 triệu đồng mỗi tháng, gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… “Với tổng cộng hàng tỷ đồng tiền thuế được giãn, giảm, chúng tôi đã có thêm vốn để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh. Từ đó, tác động tích cực đến việc sản xuất kinh doanh của công ty. Chúng tôi đánh giá cao việc trợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”- Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 6 Thăng Long Nguyễn Đức Trinh bày tỏ.
Nhờ Nghị quyết 13/NQ-CP “giải cứu” mà hai doanh nghiệp nói trên đã có thêm nguồn vốn, vượt qua những khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất. Và quan trọng hơn, có thể linh hoạt trong chiến lược tăng hiệu quả kinh doanh những tháng cuối năm 2012, từ đó lấy lại đà tăng trưởng để phục hồi. “Chúng tôi được giãn, giảm mỗi tháng hơn 1,14 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, gần 1,2 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Con số này rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, làm dòng vốn đổ vào các công trình mà doanh nghiệp đang thi công như: Cầu Thới An ở Bình Dương; cầu Mỹ Trạch, cầu Chuôi ở Huế; cầu Nam Ô, Phước Long ở Đà Nẵng…” - ông Đỗ Văn Đông khẳng định.
Sẻ chia cùng doanh nghiệp
“Đầu năm 2012, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận tiếp tục xấu đi trước những khó khăn như: Khó tiếp cận nguồn vốn vay; lạm phát vẫn còn cao, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng; hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, sức mua giảm làm hàng tồn kho nhiều... Vì thế mà sau 1.274 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể vào năm ngoái, nửa đầu năm nay, 892 doanh nghiệp của quận Hoàn Kiếm tiếp tục “khai tử”.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh thu thấp” - ông Nguyễn Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết.
Công nhân Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) vận hành hệ thống sản xuất chất tạo bọt cho bột giặt. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Năm 2011, cả nước có 256.310 doanh nghiệp, chiếm hơn 60% doanh nghiệp và chiếm 75% doanh thu của sản xuất kinh doanh, rơi vào tình trạng thua lỗ với khoảng 132.500 tỷ đồng. Tại hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khoảng 65% doanh nghiệp rơi vào tình trạng mấp mé bờ vực phá sản với số lỗ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2012, ước tổng số lỗ của các doanh nghiệp trên cả nước vào khoảng 130.000 tỷ đồng. Trước thực trạng đó, Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ với gói giải pháp tài chính trị giá 29.000 tỷ đồng được đưa ra nhằm sớm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đây là gói tài chính có phạm vi xử lý mở rộng về tiền thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước liên quan đến đất đai lớn nhất từ trước đến nay, bởi trong 8 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì 5 giải pháp đầu tiên là về giãn thuế và miễn tiền thuê đất. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP và thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết tới từng đơn vị chức năng. Đáng chú ý, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, thành phố chủ động có thêm chính sách hỗ trợ: Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm, xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn… được hỗ trợ lãi suất và vốn. Thành phố còn có quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với chức năng bảo lãnh cho doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng. Trường hợp cần thiết, sẽ chủ động bổ sung ngân sách cho các quỹ hỗ trợ sao cho doanh nghiệp và ngân hàng có thể gặp nhau, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất. |
Trong bối cảnh đó, để sẻ chia cùng doanh nghiệp, ngay sau khi Nghị quyết 13/NQ-CP ra đời, Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương triển khai thực hiện giãn, giảm thuế cho hơn 3.500 doanh nghiệp được hưởng gói giải pháp tài chính của Chính phủ với số tiền khoảng 80 tỷ đồng.
Cùng với quận Hoàn Kiếm, huyện Mỹ Đức cũng khẩn trương “giải cứu” các doanh nghiệp. Song song với việc quán triệt trong nội bộ cán bộ thuế, thông báo về gói giải pháp tài chính đến tất cả các doanh nghiệp do chi cục thuế Mỹ Đức quản lý thì bộ phận “Một cửa” cũng tích cực tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận Nghị quyết 13 một cách nhanh nhất. “Mỹ Đức đã gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho 53 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trên địa bàn với số tiền thuế lên đến gần 6 tỷ đồng; gia hạn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hàng chục doanh nghiệp với số tiền lên đến trên 7 tỷ đồng” - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Bốn cho hay.
Theo số liệu ước tính của cơ quan thuế Hà Nội, với việc triển khai thực hiện gói giải pháp tài chính, khoảng 7 vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn được tháo gỡ khó khăn với tổng số tiền giãn, giảm, gia hạn lên tới 5.150 tỷ đồng.
Trong hàng nghìn tỷ đồng đó, có khoảng 3.000 tỷ đồng là gia hạn nộp tiền sử dụng đất sang năm 2013; khoảng 1.000 tỷ đồng để khoản giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; khoảng 500 tỷ đồng là cơ quan thuế gia hạn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 đến 10/5/2012 chưa nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp vận tải đường thủy, sản xuất sắt thép, xi măng, doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bất động sản (hạn nộp 2/1/2013)...
Nói về việc Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết 13/NQ- CP, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Hỗ trợ tuyên truyền Người nộp thuế cho biết: Toàn ngành thuế Thủ đô đã tập trung tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, đảm bảo các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thuộc đối tượng áp dụng được hưởng đầy đủ chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế.
Cơ quan thuế đã niêm yết công khai tại bộ phận "Một cửa" nội dung các chính sách miễn, giãn, giảm, gia hạn nộp thuế; thông báo tới toàn bộ 100% doanh nghiệp dưới nhiều hình thức các chính sách trên. Đồng thời, truyền tải, quán triệt các nội dung của các chính sách miễn, giãn, giảm, gia hạn nộp thuế tới từng cán bộ, công chức thuế, đảm bảo mỗi cán bộ, công chức thuế hiểu và hướng dẫn được người nộp thuế thực hiện đúng chính sách...
“Tất cả đều nhằm góp phần phát huy hiệu quả gói giải pháp hỗ trợ về thuế của nhà nước, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp, để cùng doanh nghiệp chung tay, chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế hiện nay”- bà Hải Yến nhấn mạnh.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã yêu cầu các cấp, ngành trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế Hà Nội đưa gói hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng. “Mỗi đơn vị căn cứ nhiệm vụ của mình đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại… để mở rộng thị trường tiềm năng ở trong và ngoài nước. Mỗi doanh nghiệp nên tính toán phương án cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh để tự cứu mình.
Với sự quyết tâm của nhà nước và doanh nghiệp, Hà Nội sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từ đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế của cả nước”- ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
Nếu như nửa đầu năm 2012, sức của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội dường như đã cạn sau khi làm mọi cách, từ bán bớt tài sản, cắt giảm đầu tư, tăng quản trị rủi ro, thậm chí chấp nhận thế chấp vay vốn với lãi suất cao, rồi sáp nhập, tìm những nguồn vốn bên ngoài ngân hàng... để tự cứu mình, tránh bị đổ vỡ. Và những khó khăn ấy thể hiện qua 6 tháng đầu năm, hơn 5.300 doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô phải ngừng hoạt động, giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh.
Nhưng 3 tháng nay, với việc Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP, và các biện pháp "giải cứu" doanh nghiệp của Hà Nội, có thể thấy, nhiều doanh nghiệp ở Thủ đô đã thêm “sức” để duy trì sản xuất và hồi phục kinh doanh, từ đó, thêm cơ hội để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Anh Tùng