Thích ứng an toàn binh thường mới, trong thời gian qua, các đơn vị lữ hành trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức hoạt động du lịch theo tiêu chí an toàn. Theo đó, khách du lịch chủ yếu là các nhóm nhỏ, các gia đình đi tham quan bảo tàng, công viên, khu sinh thái và các điểm du lịch nghỉ dưỡng... Bên cạnh đó, một số đơn vị du lịch đã xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: Khám phá di sản kiến trúc Pháp; trải nghiệm Hà Nội bằng xe đạp "VGreen Bike tour - Tinh hoa Tràng An" của câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) ….
Dự kiến, 11 tháng của năm 2021, khách đến Hà Nội chỉ bao gồm khách du lịch nội địa với 3,22 triệu lượt khách, giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 9,03 nghìn tỷ đồng, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 11/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 26.5%, tăng 9.5% so với tháng 10/2021 và giảm 12.5 % so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến tháng 11/2021 ,có 23 khách sạn được UBND Thành phố thành làm cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19 với 2.640 phòng, tương đương 4.253 giường. Trong số 23 khách sạn trên, UBND Thành phố cũng đã đồng ý cho phép 13 khách sạn được thực hiện cách ly cho đối tượng F1 (với 1.226 phòng, 2.147 giường).
Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tham mưu trình UBND Thành phố đề nghị ban hành Quy chế phối hợp quản lý cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội; đề nghị phê duyệt hồ sơ thiết kế ý tưởng, hồ sơ thiết kế sản xuất hệ thống biển chỉ dẫn du lịch, bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội; đề nghị xem xét cho phép và ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2021; đề nghị ban hành Kế hoạch Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; đề nghị công nhận 2 điểm du lịch là điểm du lịch Phù Đổng tại huyện Gia Lâm và điểm du lịch Cổ Loa tại huyện Đông Anh.