Chủ trương này có lợi ích gì, làm thế nào để hạn chế những bất cập phát sinh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Việc thực hiện chủ trương gộp hai loại tem là tem kiểm định phương tiện và tem nộp phí sử dụng đường bộ có ý nghĩa như thế nào, thưa ông? Ông Nguyễn Hữu Trí: Có thể nói, việc thực hiện chủ trương gộp hai loại tem là tem kiểm định phương tiện và tem nộp phí sử dụng đường bộ nằm trong chương trình cải cách hành chính chung của Bộ Giao thông Vận tải hướng tới sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, mục tiêu của chủ trương này là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu chúng ta gộp chung hai loại tem này sẽ giúp rút ngắn thời gian cho người dân và doanh nghiệp khi đi đăng kiểm và qua đó cũng sẽ tiết kiệm được kinh phí in ấn, cấp phát, dán loại tem này. Về mặt thẩm mỹ, trên kính xe cũng chỉ còn lại một chiếc tem. Mặt khác, ngoài việc giúp chủ xe tiết kiệm thời gian làm thủ tục, việc gộp hai loại tem này sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, phát hiện vi phạm.
Đăng kiểm viên kiểm tra hệ thống lái của ô tô. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Khi gộp hai loại tem này, về biện pháp quản lý, hiện tại, Cục Đăng kiểm Việt Nam có một mạng quản lý kiểm định. Trên đó thông tin được kết nối với mạng quản lý thu phí đường bộ sẽ giúp kiểm soát được việc mua phí của các chủ phương tiện. Chẳng hạn như xe của anh A đến đơn vị thực hiện kiểm định xe theo quy định, cán bộ đăng kiểm chỉ cần tra biển số xe có thể biết ngay xe đó đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí đường bộ hay chưa. Trong trường hợp chưa nộp thì chủ phương tiện phải nộp phí và sau đó mới tiến hành các thủ tục đăng kiểm theo quy định.
Như vậy, vấn đề kiểm soát của cơ quan đăng kiểm đối với việc đóng phí đường bộ của chủ phương tiện theo Thông tư 113/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ không gặp khó khăn. Trước đây, việc dán tem phí đường bộ để thông tin cho các cơ quan chức năng, cho người sử dụng xe (đặc biệt trong trường hợp bán hoặc trao đổi) thì hiện nay, phương án đề xuất là đưa tất cả các thông tin đó lên trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam giống như hiện nay đang áp dụng cho việc tra cứu tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện. Như vậy, từ nhà quản lý đến người dân có thể dễ dàng kiểm tra thông tin tiêu chuẩn kỹ thuật của một xe nào đó trên địa chỉ đã được hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam .
Tương tự, thông tin về nộp phí đường bộ cũng vậy, tất cả thông tin sẽ được cập nhật vào thông tin chung về xe. Ví dụ, xe A tham gia giao thông, ngoài thông tin về hành chính (sở hữu, chủ xe là ai, địa chỉ ở đâu, thông tin kỹ thuật của xe: kiểu loại xe, số liệu, số khung số máy...) thì hiện nay sẽ bổ sung thêm thông tin về nộp phí bảo trì đường bộ. Lái xe đã nộp phí đến tháng nào tại đâu, số phí kỳ tới sẽ nộp cũng sẽ được thông tin, thời hạn chậm nộp bao nhiêu… Như vậy, có thể khẳng định, giải pháp quản lý không có khó khăn gì.
Phóng viên: Người dân vẫn băn khoăn về vấn đề kỳ đăng kiểm và kỳ nộp phí đường bộ không trùng nhau, có thể gây khó khăn cho người dân. Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa ông? Ông Nguyễn Hữu Trí: Có thể khẳng định, khó khăn về kỳ đăng kiểm và kỳ thu phí đường bộ không trùng nhau phát sinh ngay từ khi Bộ Giao thông Vận tải thực hiện thu phí đường bộ. Theo quy định, phí đường bộ đóng theo năm, chu kỳ đăng kiểm lại không theo năm mà thực hiện theo tháng. Thí dụ, chu kỳ đăng kiểm của một xe 12 tháng bắt đầu từ tháng 11 năm nay sẽ đến tháng 11 năm sau còn phí đường bộ thì theo năm. Ví dụ chủ phương tiện của xe A đóng phí đường bộ của năm 2016 sẽ phải đóng đến hết 31/12/2016.
Trước đó, cũng với mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đã đi đến thông nhất là đối với một số trường hợp, doanh nghiệp có nhiều đầu xe phải nộp phí đường bộ nhiều từ 50 triệu trở lên để giảm số tiền nộp một lần sẽ cho phép nộp theo tháng. Như vậy, có thể nói, chúng ta đã có giải pháp để giải quyết bất cập và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân ngay từ đầu.
Để xử lý bất cập này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng phần mềm, khi xe vào thực hiện kiểm định, các trung tâm sẽ biết ngay được xe này đã nộp phí đến tháng nào hay nộp chậm. Nếu nộp quá thì vẫn cho xe kiểm định bình thường còn nếu thiếu thì chủ phương tiện phải bổ sung.