Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đang rơi vào khó khăn được đánh giá là chưa có trong lịch sử phát triển của hãng khi dòng tiền tích lũy trước đó gần như bị cạn kiệt, dự kiến năm 2020 hãng lỗ ròng hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong vòng 10 năm qua, Vietnam Airlines liên tục tăng trưởng tốt. Kết quả kinh doanh của năm 2019 thậm chí còn tốt nhất. Tuy nhiên, đến năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng sau khi đã triển khai hàng loạt giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao cũng như chính sách thuế xăng dầu, giảm bớt được lỗ 2.200 tỷ đồng so với con số ước tính ban đầu là lỗ hơn 15.000 tỷ đồng.
Để ứng phó với COVID-19, ông Dương Trí Thành cho hay, hãng đã sớm cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động); giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng. Đồng thời, Vietnam Airlines đề nghị chủ sở hữu tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng giám đốc Dương Trí Thành, Vietnam Airlines có trao đổi với Hãng hàng không ANA của Nhật về việc hỗ trợ vốn (ANA sở hữu 8,6% cổ phần Vietnam Airlines), tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ANA thậm chí còn khó khăn hơn. Hãng cũng đang đi vay 10 tỷ USD cho hoạt động của chính mình và không thể có nguồn tiền tăng vốn và cho vay được. Do đó Vietnam Airlines mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Vietnam Airlines là một trong những hãng đã lên các kịch bản sớm để ứng phó với dịch COVID-19. Tuy nhiên, với tác động quá lớn của dịch bệnh, các kịch bản và giải pháp đưa ra đều chưa khả thi.
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp mà doanh nghiệp này chủ động thực hiện như cắt giảm lương, tiết giảm chi phí chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài muốn Vietnam Airlines phục hồi sản xuất phải sớm có gói hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ và các cơ chế chính sách mang tính dài hạn.
Hiện nay các phương án của Vietnam Airlines đưa ra đều đang rời vào thế khó. Cụ thể, là đề xuất Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rót thêm tiền vào hãng.
Về đề xuất này, theo quy định tại khoản 6, Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp quy định: “Cơ quan chủ sở hữu và doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư đảm bảo nguyên tắc phát triển vốn”
Tuy nhiên, đại diện SCIC khẳng định, tại thời điểm quyết định đầu tư, SCIC không thể nào trả lời được rằng khoản đầu tư vào Vietnam Airlines sẽ bảo toàn và phát triển vốn.
Cũng theo đại diện SCIC, đơn vị và Vietnam Airlines đã ngồi làm việc cùng nhau từ rất sớm, nhưng sau đó có một số vấn đề SCIC cho rằng không thể giải quyết một sớm một chiều. Cụ thể, với vai trò là một nhà đầu tư tài chính thông thường, SCIC cũng phải nghiên cứu, định giá, làm các thủ tục thẩm định (due diligence), các deal đầu tư sẽ phải mất 6-9 tháng và như vậy sẽ không kịp tiến độ của Vietnam Airlines. Còn nếu Vietnam Airlines tăng vốn theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, thì lại vướng Luật Chứng khoán là doanh nghiệp phải có lãi theo báo cáo tài chính quý gần nhất, nếu Vietnam Airlines “vượt rào” thì việc này phải trình lên Quốc hội.
Mặt khác, đại diện SCIC cũng cho rằng, nếu SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines thì phải có cơ chế đặc thù miễn trừ được quy định với SCIC, có bảo toàn vốn và phát triển vốn trong ngắn hạn và dài hạn hay không?. Hiện nay Luật có quy định về chỉ định đầu tư nhưng văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn quy định cụ thể, phải có cơ chế đặc thù để chỉ định.
Mặt khác, đại diện SCIC cũng phân tích thêm, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp thì Vietnam Airlines không thuộc ngành nghề nhà nước phải đầu tư vốn, do đó Vietnam Airlines phải xây dựng phương án rất tổng thể, để công khai minh bạch rõ ràng.
Theo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia kinh tế, hiện phần lớn các khó khăn của Vietnam Airlines chủ yếu rơi vào Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Do vậy, các cơ quan Chính phủ cần nghiên cứu để sớm tháo gỡ.
Nhìn nhận về các giải pháp gỡ khó cho ngành hàng không hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đối với các chính sách về tài khóa như miễn, giảm thuế, phí đã được Chính phủ thông qua cần tiếp tục được thực hiện song phải bảo đảm tính tức thời, đúng tính chất cứu hãng hàng không như cứu bệnh nhân COVID.
Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, có thể tạo gói tín dụng ưu đãi riêng cho các hãng hàng không. Các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, phần còn lại Chính phủ cấp bù lãi suất bằng cách cho sử dụng nguồn dự trữ của Ngân hàng Nhà nước và cơ chế tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không: trong đó có Vietnam Airlines là việc phải làm mà phải làm nhanh. Bởi chậm sẽ không hiệu quả, thậm chí doanh nghiệp có thể rơi vào phá sản. Bởi khó khăn của ngành hàng không thời gian qua hoàn toàn do khách quan. Hiện nhiều nước trên thế giới đều đã có những khoản tiền hỗ trợ các hãng hàng không. Nếu các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị vướng các cơ chế, chính sách thì các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ.
Luật sư Trương Anh Đức phân tích thêm, nếu thực hiện nhanh các giải pháp đã đưa ra thì thậm chí Vietnam Airlines hoàn toàn có cơ hội làm tốt, thậm chí khôi phục và thay đổi được tình hình khó khăn hiện nay.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhận định, ngành hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt cho đến trước thời điểm dịch COVID-19. Mặc dù đang gặp khó khăn do chưa mở lại được các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, thị trường nội địa của ngành hàng không còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, nếu có giải pháp kịp thời sẽ giúp các hãng hàng không; trong đó có Vietnam Airlines phục hồi và phát triển nhanh trong thời gian tới.
Bình luận thêm về các giải pháp mà Chính phủ và các Bộ, ban ngành đang bàn để hỗ trợ Vietnam Airlines, chuyên gia Nguyễn gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, với thị phần và vai trò quan trọng là hãng hàng không quốc gia, Chính phủ cũng cần có những chính sách đặc thù, trong tình thế đặc thù.
Một chuyên gia chứng khoán phân tích, đề xuất của Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, về mặt pháp lý có những điểm vướng mắc vì công ty có lỗ lũy kế thì theo Luật hiện hành không được phát hành ra đại chúng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này đề xuất còn một cách khác là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho SCIC theo sự ủy quyền của Nhà nước với mức giá hài hoà giữa nhà nước và doanh nghiệp. Như vậy sẽ không bị vướng điều kiện phải có lãi, chỉ cần xin ý kiến của Đại hội cổ đông. Ngoài ra, Vietnam Airlines có thể phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi cho SCIC, được Nhà nước chỉ định…