Thưa ông, “nút thắt” trong các Nghị định kinh doanh xăng dầu vẫn là cơ chế điều hành mang tính chất hành chính về giá. Ông nghĩ sao về việc nên thành lập Sàn giao dịch xăng dầu vật chất để tăng tính công khai, minh bạch?
Sàn giao dịch xăng dầu vật chất là nơi các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ cùng giao dịch mua bán xăng dầu, công khai giá cả, khối lượng, giảm thiểu rủi ro; tạo cơ hội bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh, hạ giá bán đối với xăng dầu, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, do việc định giá sát với nguồn nhập khẩu.
Sàn giao dịch xăng dầu là nguồn cung cấp thông tin tin cậy về khối lượng, giá cả, chất lượng hàng hóa, giúp cơ quan quản lý Nhà nước có những dự báo chính xác để lên kế hoạch, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng.
Về chủ thể tham gia bao gồm 2 nhà máy lọc hóa dầu, 38 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, hơn 320 thương nhân phân phối và đại diện của các doanh nghiệp xăng dầu tư nhân trong hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nhà nước có thể giao cho một đơn vị thành lập Sàn giao dịch xăng dầu, đề ra các nguyên tắc, chính sách giám sát hoạt động và thu thuế, phí phù hợp với khối lượng giao dịch trên sàn.
Theo đó, người bán có thể niêm yết thời gian, địa điểm, loại hàng hóa, chất lượng, số lượng, giá cả… mặt hàng cung ứng. Người mua có thể xem xét lập hợp đồng mua các sản phẩm của các chủ thể bán với giá cả phù hợp. Để đảm bảo tính pháp lý, các quy định của Sàn được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia cần thành lập Cơ quan giám sát độc lập; áp dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát để phát hiện giao dịch bất thường.
Vậy cần có những giải pháp nào để quản lý, vận hành hiệu quả Sàn giao dịch xăng dầu vật chất, thưa ông?
Trước hết, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý có liên quan đến Sàn giao dịch xăng dầu để có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động. Có thể giao việc xây dựng và quản lý Sàn giao dịch xăng dầu vật chất cho Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trên cơ sở các quy định của các cơ quan quản lý về cơ chế hoạt động. Cần sớm có cơ chế thành lập Sàn giao dịch xăng dầu vật chất để các thông tin này đến được tất cả các chủ thể tham gia giao dịch, mua bán trực tiếp trên Sàn.
Về mặt giá cả, trước mắt, định kỳ cơ quan Nhà nước phải công bố công thức tính và giá trần xăng dầu với giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa để đảm bảo thị trường có thể hoạt động ổn định. Các chủ thể bán hàng sẽ cạnh tranh công bằng trong việc xác định giá bán, nhưng phải thấp hơn giá trần đã được quy định. Các chủ thể mua có thể chủ động lựa chọn mua hàng của chủ thể có giá thấp nhất và có các điều kiện phù hợp nhất. Về lâu dài sẽ dần để thị trường và các doanh nghiệp tự quyết định các mức giá.
Bộ Công Thương cần phân bổ định mức sản xuất tối thiểu, định mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu, thời hạn cung ứng phù hợp cho các nhà máy sản xuất và các đầu mối đủ điều kiện nhập khẩu xăng dầu. Các đầu mối này phải thực hiện đúng định mức, thời gian, đảm bảo tiêu thụ ổn định trong hệ thống và lượng xăng dầu dự trữ trong kinh doanh.
Về lâu dài, các doanh nghiệp tự xác định, tính toán số lượng mua sản phẩm xăng dầu trong nước và nhập khẩu quốc tế để đáp ứng yêu cầu thị trường. Việt Nam cần đổi mới phương thức quản lý và can thiệp của chính phủ vào sự biến động giá cả của thị trường xăng dầu. Chính phủ dần can thiệp vào giá cả thị trường thông qua việc tăng hay giảm nguồn cung xăng dầu từ việc xả kho dự trữ quốc gia hoặc tăng mua dự trữ.
Đã đến lúc cần xây dựng Kho dự trữ xăng dầu Quốc gia tại từng vùng để phục vụ nhu cầu an ninh năng lượng. Việc trích lập, hình thành và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ cần thay đổi bằng việc Chính phủ tập trung quản lý và chuyển hóa thành xăng dầu cơ bản trong dự trữ quốc gia để có thể sẵn sàng bán ra can thiệp thị trường khi có các “cú sốc” về giá hay nguồn cung.
Xin trân trọng cảm ơn ông!