Chia sẻ tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 30/7, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết, giá xăng dầu biến động thời gian qua có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do giá xăng dầu thế giới. Hiện nay, cơ cấu giá xăng dầu thế giới chiếm khoảng 65 - 77% trong giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu. Một số yếu tố còn lại trong cơ cấu giá chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29%, chi phí kinh doanh định mức chiếm 7,5 - 11%. Bên cạnh đó, một số yếu tố cấu thành giá nữa là lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ bình ổn.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho hay giá xăng dầu được điều hành bằng các công cụ như giá cơ sở, điều chỉnh thuế (giảm thuế khi cần thiết) và điều chỉnh quỹ bình ổn.
Tuy vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nhược điểm của cơ chế này là giá phải theo thế giới, nhập vào cao thì giá cao. Hơn nữa, việc điều hành vẫn mang tính chất dùng công cụ hành chính, Nhà nước áp đặt giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
"Do đó, việc xây dựng chính sách thời gian tới cần hướng tới sửa đổi cơ chế hành chính áp đặt sang công cụ thị trường để tự điều tiết, tạo sự cạnh tranh", đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Về đề xuất xây dựng sàn giao dịch xăng dầu, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu thành lập được là rất tốt và cần thiết để tạo công khai, minh bạch và tạo cơ hội đầu tư, quản lý rủi ro trên sàn, thúc đẩy cạnh tranh, giảm giá thành và có lợi cho người tiêu dùng.
"Đối với Việt Nam nếu giao dịch xăng dầu trên sàn sẽ tạo ra thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó sẽ giảm độc quyền", ông Long đánh giá.
Hiện nay có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất, chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước, cho nên khi có sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại, các khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Bên cạnh các lợi ích đó, theo ông Ngô Trí Long, khi lập sàn giao dịch xăng dầu vẫn có những thách thức, đầu tiên là chi phí ban đầu rất lớn. Ví dụ việc lập sàn giao dịch yêu cầu phải có khoản đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, về công nghệ và nhân lực. Điều này có thể là một thách thức rất lớn cho nền kinh tế nếu chúng ta không có kế hoạch quản lý một cách hiệu quả.
Cùng với đó là công tác quản lý và giám sát. Chúng ta cần có một cơ chế quản lý và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo các hoạt động không có hiện tượng thao túng thị trường.
Thách thức nữa là khả năng tham gia của các đối tượng. Tất cả các doanh nghiệp đầu tư phải đảm bảo được đào tạo bài bản, được cung cấp thông tin đầy đủ để tham gia giao dịch. Đây là yêu cầu rất lớn về nỗ lực tham gia giáo dục và truyền thông.
Đặc biệt, thách thức về rủi ro về mặt thị trường. Thị trường xăng dầu rất nhạy cảm với sự biến động của giá cả và khi xây dựng Sàn giao dịch xăng dầu phải tương thích với các quy định của quốc tế.
“Để chúng ta có thể xây dựng được sàn giao dịch xăng dầu, theo quan điểm của các nhân tôi cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh cũng như phương thức vận hành. Đối với hàng hóa là xăng dầu khi thành lập Sàn giao dịch cần rất nhiều thời gian tập trung công sức để nghiên cứu kỹ lưỡng vì mặt hàng xăng dầu có những đặc điểm riêng rất nhạy cảm nên việc xây dựng sàn rất khó khăn và phức tạp”, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.
Chuyên gia này cho biết thêm, khi đã có sàn giao dịch xăng dầu rồi thì có những câu hỏi đặt ra với Nhà nước là: Thứ nhất, mặt hàng này có chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan Nhà nước theo cơ chế thị trường hay không? Thứ hai, Nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu ở mức độ nào? Vấn đề thứ ba, định kỳ cơ quan Nhà nước phải công bố giá điều hành hay giá trần xăng dầu hay để doanh nghiệp tự quyết định. Thứ tư, Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính quản lý giá bán lẻ xăng dầu?
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, liệu có nên xây dựng sàn giao dịch xăng dầu riêng, hay chúng ta sẽ tổ chức niêm yết trên Sở giao dịch hàng hóa như mô hình của các nước hiện nay đang làm. Đây là vấn đề cần xem xét cụ thể. Việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là đúng và cần. Tuy nhiên để quản lý, vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu và mục đích đặt ra cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan và mất rất nhiều thời gian”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Trước mắt, ông Ngô Trí Long cho rằng, nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc lập sàn giao dịch ở Việt Nam về xăng dầu không có gì phải băn khoăn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là tính chất sàn ấy như thế nào?
“Chúng ta định tổ chức một cái sàn giao dịch xăng dầu như là các sàn giao dịch xăng dầu thế giới, tức là phải có liên thông, liên thông giữa sản phẩm của chúng ta với các cái sản phẩm của các nhà cung cấp thế giới và coi như là sàn giao dịch cho thế giới chứ không phải chỉ cho mấy nhà sản xuất với nhà cung cấp cho Việt Nam thì khi đó chúng ta thành lập một sản giao dịch xăng dầu riêng. Còn hiện nay, sàn giao dịch xăng dầu chỉ để giúp nhà nhập khẩu xăng dầu về, những nhà phân phối giao dịch, trao đổi với nhau dễ hơn thì chúng ta có thể đưa qua các sàn điện tử và các sàn giao dịch hàng hóa. Tôi nghĩ nó không có gì khó khăn, phức tạp”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, sàn này có thành công hay không thì lại phụ thuộc vào chuyện có cho phép các nhà phân phối này được mua bán tự do hay không, còn nếu chúng ta định ấn định là ông này chỉ được mua của ông kia, ông không được bán cho nhau thì sàn này lập ra vô nghĩa, nó không có nghĩa gì cả.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu.