Diễn đàn đã thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý, doanh nghiệp logistics tham gia cùng thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 16 đến 20%, ngành logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng tốt và đều nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Sự phát triển của ngành logistics đóng góp kết quả lớn đối với kim ngạch xuất nhập khẩu, là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, ngành logistics Việt Nam còn nhiều yếu kém; trong đó cần phải khắc phục cấp bách nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng và chi phí dịch vụ.
Cảng Hải Phòng liên doanh với Hãng tàu Heung-A (Hàn Quốc) khai thác dịch vụ logistics. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN. |
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, hạ tầng dịch vụ logistics còn thiếu đồng bộ, nhất là giữa các cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa. Ngoài ra, hoạt động chuyển giao hàng hóa giữa những phương thức vận chuyển còn chậm, phương thức vận tải đường bộ còn thiếu hiệu quả... khiến thời gian vận chuyển hàng hóa cao, dẫn đến tăng chi phí. Đây là những nguyên nhân cơ bản hạn chế sự phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Thảo luận tại diễn đàn, đa số các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics, thì việc tăng cường sự phối hợp trong quản lý nhà nước là một giải pháp quan trọng để “gỡ nút thắt” cho ngành logistics. Liên quan đến vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thông điệp mà ngành hải quan muốn nhấn mạnh tại diễn đàn năm nay chính là, cần sự phối hợp triển khai giữa các bộ ngành liên quan, trong đó có ngành hải quan, để đơn giản hóa thủ tục pháp lý tạo thuận lợi thương mại.
Theo đó, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị cần nghiên cứu sửa những văn bản pháp luật về các hoạt động logistics cho phù hợp với thời điểm hiện nay; ví dụ Luật Thương mại 2005, đã khá lỗi thời về những quy định trong chương logistics.
Còn ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) đề xuất, nên nghiên cứu thành lập Ủy ban phối hợp về logistics Việt Nam, với sự tham gia của các cơ quan quản lý, để việc quản lý hoạt động logistics được thống nhất, tránh chồng chéo; hoặc nghiên cứu mở rộng chức năng quản lý logistics cho Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN để không phát sinh bộ máy quản lý mới.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, ngành logistics Việt Nam hiện xếp thứ 64/160 thế giới. Việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam bùng nổ.
Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam , những mục tiêu trong dự thảo kế hoạch hành động logistics quốc gia của Việt Nam là rất hứa hẹn, WB cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam để hiện thực hóa những mục tiêu này trong thời gian sắp tới.