Đây là công trình có ý nghĩa, mang tính chiến lược lâu dài trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan để đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Hoàn thiện giải phóng mặt bằng
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Toàn tuyến có 3 dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Toàn tuyến dự án đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân với 2.684 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cùng diện tích đất giải phóng mặt bằng của dự án là 1.221 ha.
Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, đến nay đã cơ bản hoàn thành và triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Bình Thuận cũng được đánh giá là một trong những tỉnh giải phóng mặt bằng thi công cao tốc nhanh nhất cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, các sở, ngành liên quan và các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã tập trung triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao, nhiều hạng mục mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Tính đến đầu tháng 6/2021, số hộ dân và tổ chức đã bàn giao mặt bằng là 2.659/2.684 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,1%. Diện tích đất sạch đã bồi thường 1.205/1.221 ha, đạt tỷ lệ 98,7%. Các nguồn vốn bố trí đã được giải ngân theo đúng yêu cầu đề ra.
Cùng với đó, tỉnh có 5 khu tái định cư xây dựng mới phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tái định cư của 162 hộ. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư tại 4 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, hiện đang bàn giao cho các hộ dân. Các huyện đang tích cực phối hợp khẩn trương triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, viễn thông tại các đoạn có đường cao tốc đi qua.
Trong quá trình triển khai thi công hiện còn một số khó khăn như: toàn tuyến vẫn còn 25 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, tập trung tại 10 vị trí; trong đó, có 16 hộ thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện và 9 hộ khác có kiến nghị khác đang được các sở, ngành xem xét, giải quyết.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng vẫn còn 41 hộ dân và 2 tổ chức cản trở, khiếu nại giá bồi thường, gây khó khăn cho các nhà thầu…
Vật liệu chuẩn khan hiếm
Do các dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh đồng loạt khởi công nên nhu cầu sử dụng vật liệu vật liệu đất đắp nền thi công rất lớn. Dự án cần khối lượng khoảng 11,7 triệu m3 đất đắp phục vụ thi công nền đường cao tốc.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo cần khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp. Hiện khu vực này có 9 mỏ có giấy phép đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 5 triệu m3; 10 mỏ chưa có giấy phép với tổng trữ lượng khoảng 16 triệu m3. Đoạn Phan Thiết – Dầu Giây cần khoảng 2,5 triệu m3 đất đắp.
Tại đoạn này hiện nay có là 11 mỏ gồm 5 mỏ có giấy phép; 6 mỏ chưa có giấy phép với tổng trữ lượng đất và đất tầng phủ là 8 triệu m3. Trữ lượng tại các mỏ có thể đáp ứng được nhu cầu, tuy nhiên do đây là vật liệu đắp đường, nhu cầu trước đây thấp nên công suất cấp phép khai thác hàng năm của các mỏ chỉ đáp ứng nhu cầu địa phương, chưa đáp ứng công suất phục vụ cao tốc tăng đột biến hiện nay.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo cần sử dụng khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp. Qua khảo sát của Ban Quản lý dự án 7, số lượng đất lẫn đá và đá phong hóa tại các mỏ có trữ lượng lớn, nhưng không đảm bảo yêu cầu làm vật liệu đắp nền theo yêu cầu kỹ thuật của dự án. Hiện Ban Quản lý dự án 7 đã trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận sử dụng 1,1 triệu m3 đá tận dụng tại đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết để nghiền thành vật liệu đắp nền đường cao tốc.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long, đoạn Phan Thiết- Dầu Giây chỉ có 2 mỏ với trữ lượng đất khoảng 800.000 m3 là đạt yêu cầu kỹ thuật của dự án. Khối lượng còn lại là đất lẫn đá và đá phong hóa không sử dụng được theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Hiện nay, các nhà thầu thi công dự án đã khảo sát một số đồi đất đủ chất lượng cho dự án đồi đất nông nghiệp, không trồng trọt cần phải cải tạo. Vì vậy, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép sử dụng nguồn vật liệu đất đắp tận thu đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp để phục vụ thi công cao tốc.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các huyện có đường cao tốc đi qua đôn đốc các hộ dân đã nhận tiền bồi thường; hỗ trợ khẩn trương tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu... ra khỏi diện tích đất đã được bồi thường. Đồng thời, vận động, thuyết phục và giải quyết dứt điểm số hộ còn lại chưa nhận tiền bồi thường.
Đối với nhu cầu vật liệu đất đắp, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng dự án đường bộ cao tốc; từng bước tháo gỡ các vướng mắc, dần đi đến thống nhất các vấn đề liên quan đến việc cung cấp vật liệu đất đắp nền cho dự án. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan ưu tiên giải quyết hồ sơ đầu tư, môi trường, đất đai, cấp phép khai thác các mỏ trong thời hạn sớm nhất có thể khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp.
Theo ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, về cơ bản nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công cao tốc tuyến qua địa bàn tỉnh không thiếu, có thể giải quyết được nếu có sự phối hợp và quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan.
Để đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ dự án, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh và các chủ mỏ để khảo sát, đánh giá, xác định trữ lượng, chất lượng của từng mỏ vật liệu đất đắp để thống nhất số liệu. Từ đó, đề xuất nhu cầu đất đắp nền cho từng gói thầu xây lắp cụ thể; trong đó xác định rõ mỏ nào đang khai thác cần nâng công suất, mở rộng quy mô, mỏ nào cần đẩy nhanh tiến độ thủ tục cấp phép khai thác.
Ông Lê Tuấn Phong cũng lưu ý trường hợp vẫn chưa đảm bảo khối lượng cung cấp đất đắp nền cho dự án thì tỉnh sẽ xem xét đến các mỏ nằm trong quy hoạch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, cự ly vận chuyển và bài toán hiệu quả kinh tế.
Về liên quan cấp phép mỏ khai thác, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tỉnh về các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện cấp phép khai thác mỏ. Đồng thời, yêu cầu các Ban Quản lý dự án tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông Vận tải sớm giải quyết kiến nghị liên quan đến đất đắp nền như đất lẫn đá và đá phong hóa, kể cả tận dụng nguồn đá để nghiền thành vật liệu đắp nền đường cao tốc.
Theo thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 22/TTr-BTNMT ngày 25/5/2021 trình Thủ tướng về cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác đất san lắp cho dự án đường cao tốc. Nếu cơ chế này được sớm thông qua sẽ gỡ được “nút thắt” quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc qua địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung.
Dự án cao tốc qua địa bàn Bình Thuận là công trình được cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận trông chờ từ lâu và kỳ vọng góp phần quan trọng vào giai đoạn phát triển mới của tỉnh nhà. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết điểm nghẽn trong hệ thống giao thông, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh.
Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối Bình Thuận với các khu vực trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ và Nam Trung bộ; tạo thành tuyến giao thông huyết mạch cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thức đẩy liên kết khu vực miền Trung với miền Nam.