Clip bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán Thuế (Tổng cục Thuế) chia sẻ với báo Tin tức về việc kiểm soát rủi ro, nhưng vẫn phải đảm bảo tiến độ hoàn thuế:
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh, "tắc" nhất là khâu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu nên tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) vẫn chậm. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Trong nhiều năm qua, ngành Thuế đã tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho các doanh nghiệp theo nguyên tắc: Người nộp thuế (NNT) tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm.
Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: Hoàn thuế trước và kiểm tra trước hoàn thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn thuế trước thì quy định là 6 ngày làm việc, còn đối với kiểm tra trước hoàn thuế, quy định là 40 ngày tính từ thời điểm NNT nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế.
Trong 7 tháng năm 2023, ngành Thuế đã ban hành 9.990 quyết định hoàn thuế, tương ứng số thuế đã hoàn là 71.825 tỷ đồng, trong đó, gần 80% thuộc nhóm hoàn thuế trước là nhóm được giải quyết hoàn trong vòng 6 ngày làm việc; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm tra trước hoàn thuế là nhóm được giải quyết hoàn trong vòng 40 ngày tính từ thời điểm NNT nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế. Cập nhật đến thời điểm ngày 9/8/2023, số tiền thuế được hoàn đã tăng thêm 4.226 tỷ đồng và nâng tổng số tiền hoàn thuế lên 76.052 tỷ đồng, bằng 86% so với cùng kỳ.
Để xác định hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn, bên cạnh các hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ đã bị xử phạt hành vi trốn thuế trong vòng hai năm thuộc diện kiểm tra trước hoàn, các hồ sơ còn lại, ngành Thuế căn cứ trên các hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, các thông tin về tình trạng thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, lịch sử tuân thủ và các thông tin trong cơ sở dữ liệu của ngành… Đặc biệt gần đây ngành Thuế sử dụng cơ sở dữ liệu lớn hóa đơn điện tử, qua phân tích các hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp, đánh giá rất nhanh toàn bộ các hóa đơn mua bán hàng hóa của doanh nghiệp hoàn thuế và các doanh nghiệp có liên quan theo chuỗi, trên cơ sở đó xác định tính tuân thủ và tin cậy của NNT trong sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế để xác định doanh nghiệp đó có nằm trong diện rủi ro hay không, từ đó xác định hồ sơ của NNT là hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn thuế.
Với doanh nghiệp có thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm muộn là do trong quá trình phân tích dữ liệu về hóa đơn, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các doanh nghiệp mà bán cho những doanh nghiệp hoàn thuế này nhưng các doanh nghiệp đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; có những doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động; có những doanh nghiệp đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Với những doanh nghiệp có các dấu hiệu rủi ro, ngành Thuế phải rà soát toàn bộ các hoạt động mua bán hàng hóa để đảm bảo việc mua bán này có thật hay không. Do phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tránh những rủi ro thất thoát ngân sách Nhà nước nên đến nay, số lượng hóa đơn của các doanh nghiệp mua vào để khấu trừ hoàn thuế là rất lớn, liên quan rất nhiều doanh nghiệp.
Vậy thưa bà, trong lúc này, ngành Thuế cần phải rà lại các quy định về thủ tục hoàn thuế để giảm đi những doanh nghiệp "kiểm trước, hoàn sau”?
Đối với việc phải đối chiếu cũng như xác minh hóa đơn mua bán hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp xuất khẩu có đề nghị hoàn thuế, ngành Thuế đã có các văn bản chỉ đạo các Cục thuế thực hiện nghiêm túc Công điện số 470/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính theo hướng sẽ phân tích đánh giá rõ các chuỗi quan hệ mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phân loại đối với trường hợp này.
Nếu như doanh nghiệp mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu mà kê khai nộp thuế đầy đủ; đồng thời cơ quan Thuế xác minh những doanh nghiệp này hoạt động bình thường, có đủ năng lực sản xuất, cơ sở vật chất, năng lực tài chính, ngành Thuế sẽ giải quyết theo hướng hoàn thuế.
Trường hợp nếu triển khai tiếp tục xác minh chuỗi mua bán tiếp theo, ngành Thuế sẽ chuyển sang giai đoạn thanh tra kiểm tra sau hoàn thuế. Kể cả những doanh nghiệp được hoàn rồi, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Trong quá trình kiểm tra sau hoàn thuế, nếu ngành Thuế phát hiện các sai phạm của doanh nghiệp trung gian, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm doanh nghiệp đó.
Theo quy định pháp luật về thuế, cơ quan Thuế giải quyết hoàn thuế trên cơ sở xem xét xử lý thủ tục hồ sơ hoàn thuế của NNT lập và gửi đến cơ quan thuế theo nguyên tắc tự khai, tự chịu trách nhiệm, không có nghĩa là cơ quan thuế chịu trách nhiệm thay cho NNT về tính chính xác, trung thực của hồ sơ hoàn thuế cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Do đó, sau khi hoàn, hồ sơ hoàn thuế vẫn thuộc đối tượng thanh tra của cơ quan thuế cũng như thuộc đối tượng thanh tra, điều tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước khác.
Công tác thanh tra sau hoàn thuế được thực hiện qua phân tích rủi ro. Trường hợp có nghi ngờ các doanh nghiệp hoàn thuế với doanh nghiệp mua bán theo chuỗi trung gian, có mối quan hệ liên kết, có dấu hiệu thành lập chuỗi doanh nghiệp để mua bán bất hợp pháp, cơ quan Thuế sẽ phân tích sâu hơn và xác minh sâu hơn. Trong trường hợp phát hiện những doanh nghiệp trung gian không có thật, thành lập công ty để mua bán hóa đơn, cơ quan Thuế sẽ hoàn thiện hồ sơ, củng cố các chứng cứ để chuyển sang cơ quan điều tra.
Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp chấn chỉnh lại công tác xác minh hóa đơn theo hướng phân tích kỹ rủi ro trọng yếu, trên cơ sở đó xác định rõ các mối quan hệ mua bán của doanh nghiệp hoàn thuế và doanh nghiệp bán hàng để giải quyết hoàn thuế.
Để công tác hoàn thuế được áp dụng thống nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mới đây Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 679/QĐ-TCT về quy trình hoàn thuế mới. Xin bà cho biết, quy trình hoàn thuế mới có ưu điểm gì khác so với quy trình cũ?
Quy trình hoàn thuế mới theo Quyết định 679 được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Quy trình hoàn thuế theo Quyết định 679 có 45 điểm mới so với quy trình hoàn thuế tại Quyết định 905 của Tổng cục Thuế. Trong đó, có 11 điểm mới bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế tương ứng với quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư 80 so với trước đây, còn 34 điểm mới liên quan đến tổ chức thực hiện và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý hoàn thuế.
Trong đó, một số điểm mới quan trọng có thể kể đến như: Quy trình đã loại bỏ các quy định về trình tự, thủ tục và các biện pháp nghiệp vụ ra khỏi quy trình; việc phân loại hồ sơ hoàn thuế sẽ được thực hiện tự động trên ứng dụng kể từ tháng 9/2023; quy trình hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo từng trường hợp hoàn, hướng dẫn về kiểm tra hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện chấp nhận và phân loại hồ sơ hoàn thuế bằng ứng dụng CNTT hỗ trợ tự động đối chiếu… Trên cơ sở đó, quy trình có sự kết nối đồng bộ giữa các quy trình quản lý thuế khác có liên quan trên cơ sở ứng dụng quản lý rủi ro, ứng dụng thanh tra, kiểm tra, ứng dụng kiểm tra nội bộ trong công tác giải quyết hoàn thuế.
Trân trọng cảm ơn bà!