Giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất

Quý I/2011, từ nguồn kinh phí khuyến công được phê duyệt, nhiều tỉnh đã tích cực triển khai hoạt động tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí hỗ trợ này rất quan trọng giúp các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Tạo nguồn vốn phát triển nhiều dự án lớn

Được sự giúp đỡ của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An về hỗ trợ kinh phí khuyến công năm 2011 và triển khai thực hiện kinh phí được phê duyệt, đến hết quý I, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương Nghệ An đã giải ngân được 1,1 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn Nghệ An. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung bằng polyme hóa với công suất 13 triệu viên/năm tại huyện Tân Kỳ (đơn vị phối hợp là Công ty TNHH Kiều Phương) là 150 triệu đồng. Tỉnh cũng dành 950 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để hỗ trợ cho 19 đơn vị đạt tiêu chuẩn làng nghề trong năm 2010. 

Các hộ nghèo xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê ( Phú Thọ ) làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tại tỉnh Yên Bái, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Công nghiệp đã xây dựng được nhiều đề án có giá trị lớn. Có 5/14 đề án đã được Bộ Công Thương phê duyệt, với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia là 740 triệu đồng, đạt 37% so với kế hoạch. Hiện tại, Trung tâm đã ký hợp đồng triển khai hỗ trợ máy móc thiết bị cho 2 đơn vị thụ hưởng là Công ty cổ phần Yên Thành và Công ty TNHH thương mại Công Dũng. Bên cạnh đó, Trung tâm đã xây dựng 3 mô hình trình diễn với tổng giá trị đầu tư là 630 triệu đồng cho 3 đơn vị: Công ty TNHH Sơn Tú; Công ty TNHH Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái. Trong triển khai nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm khuyến công tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng 43 đề án với tổng mức kinh phí hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ máy móc thiết bị 43 đề án với số tiền 1,75 tỷ đồng; tổ chức các hoạt động khuyến công khác 250 triệu đồng. 

Tỉnh Bình Dương cũng đang tích cực triển khai và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn nói trên. Cụ thể, năm nay tỉnh này được Bộ Công Thương giao kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia để thực hiện 2 đề án đào tạo 750 lao động nghề may công nghiệp và 500 lao động nghề chế biến gỗ, kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo cho hai đề án là 750 triệu đồng. Các doanh nghiệp cũng đã cam kết sẽ nhận số lao động vào làm việc sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo. 

Đầu tư thiết bị, tăng năng xuất, chất lượng 

Mặc dù kết quả đạt được tại các địa phương còn nhỏ, song đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong việc động viên khuyến khích của Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp nông thôn trên cả nước. Các Trung tâm Khuyến công đều quyết tâm sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các đề án theo đúng nội dung và tiến độ đã được phê duyệt nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở sản xuất. 

Tỉnh Yên Bái rất đề cao việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sản xuất công nghiệp, trong đó ngoài việc phát huy tối đa nội lực, Yên Bái tập trung nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác liên vùng và liên ngành cho phát triển công nghiệp. Với mục tiêu từng bước đổi mới dây chuyền công nghệ và thiết bị, máy móc chế biến, tập trung chế biến sâu các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế, Yên Bái đang tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung chương trình khuyến công trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, chương trình sẽ đặc biệt chú trọng đến hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất. Qua thực tế cho thấy, tại Yên Bái nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn. Chỉ tính riêng từ năm 2008 - 2010, với 18 đề án được hỗ trợ hơn 2,37 tỷ đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia, Yên Bái dành hầu hết cho hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, mua máy móc thiết bị. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho 85 đề án với kinh phí hơn 3,37 tỷ đồng, trong đó 80% dùng để hỗ trợ mua máy móc thiết bị. Cũng từ sự hỗ trợ này, các doanh nghiệp đã mạnh dạn bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập từ 1,3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Có thể thấy công tác khuyến công có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như góp phần giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm và tăng thu nhập cho người dân. 

Ngoài việc tăng cường xây dựng các mô hình trình diễn, đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chương trình khuyến công tại nhiều tỉnh cũng chú trọng việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Các tỉnh còn đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và đầu tư các dự án công nghiệp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tình hình giá cả thị trường, tổ chức đưa hàng về nông thôn tại các huyện để nâng cao hiệu quả sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Đỗ Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN