Một mảnh đất đã từng được đế quốc Mỹ tuyên bố: “Nơi đây vĩnh viễn bị chôn vùi trong sức mạnh hủy diệt…”. Ấy vậy mà, 35 năm sau ngày giải phóng, những người cựu binh Mỹ xưa kia khi trở lại chiến trường Gio Linh, Quảng Trị, chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của “thánh địa tử thần” đã phải thốt lên: “Không thể tin được… Ai đã ban cho các bạn phép hồi sinh diệu kỳ đến thế này…”.
Đất thép, con người thép…
Về Gio Linh, mảnh đất từng thuộc bờ Nam của vĩ tuyến 17, chia đôi đất nước thành hai miền Nam – Bắc. Nơi mà diện tích toàn vùng chưa đầy 500 km2, vậy mà theo tính toán, mỗi tấc đất, mỗi con người từng chiến đấu ở đây đã phải oằn mình hứng chịu gần 10 tấn bom đạn của kẻ thù trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Mô hình trồng dưa xen cây cao su mới được áp dụng và đã tạo được hiệu quả đáng kể. |
Dốc Miếu, địa danh không còn xa lạ gì với biết bao thế hệ con người Việt Nam, một niềm tự hào biểu trưng cho sự anh dũng của cả một thời đại. Nó trở thành căn cứ đầu tiên của Mỹ, gần vùng phi quân sự nhất, được xem là “con mắt thần” của hàng rào điện tử Mắcnamara. Sau năm 1954, chính quyền miền Nam và Mỹ xây dựng Dốc Miếu thành một cứ điểm quân sự lớn nhất Gio Linh với kinh phí lên đến 800 triệu USD, biến Dốc Miếu trở thành một căn cứ quân sự quan trọng về pháo binh để đánh vào các mục tiêu của miền Bắc Việt Nam.
Sau hiệp định Giơnevơ, Gio Linh trở thành nơi chiếm đóng của chế độ miền nam Cộng hòa. Phía Bắc Gio Linh trở thành khu vực phi quân sự, bao gồm các xã: Trung Hải, Trung Giang, Trung Sơn. Với tính chất là con đường “huyết mạch” để hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, vì thế kẻ thù quyết tâm bằng mọi giá biến nơi đây trở về “thời nguyên thủy”, cái tên “vùng đất chết” cũng ra đời từ đó. Với dã tâm quyết không để một dấu hiệu nào của sự sống tồn tại, toàn bộ bản làng, nhà cửa đều bị chúng đốt sạch, từng mảnh đất loang lổ, chi chít những vết bom đạn. Chỉ tính từ năm 1965 – 1972, địch đã ném xuống Gio Linh 500.000 tấn bom đạn các loại.
Hòa bình lập lại, việc ưu tiên trước nhất ở đây chính là tổ chức lực lượng rà phá bom mìn, giải phóng đất đai. Thời gian đầu, trung bình mỗi ngày nơi đây lại xảy ra một vụ nổ bom đạn còn sót lại, số người chết và bị thương vẫn không giảm. Cụ Trần Thị Nụ, 83 tuổi (thôn Gia Môn, xã Gio Phong) tâm sự: “Dù đã hòa bình, nhưng mỗi lần thấy con đi làm đồng tôi lại thắp hương cầu khấn ông trời phù hộ để không giẫm phải bom mìn…”, có hộ đầu tư mua cả một đàn bò, thả đi ăn cỏ cũng bị bom nổ chết mất… Một lần nữa, những con người nơi đây phải chống lại những hậu quả âm ỉ do chiến tranh để lại, đó đây trong từng nếp nhà ta vẫn bắt gặp những nạn nhân “may mắn” chỉ mất tay, mất chân do tiếng nổ bom mìn gây ra. Để trả lại sự bình yên cho “mảnh đất thép”, đã có không ít tấm gương ngày đêm rà phá bom mìn. Anh Nguyễn Quang Vinh (xã Gio Châu, Gio Linh) đã rà được gần 400 đầu đạn các loại, cũng nhờ có anh mà một lần đã cứu được đám trẻ chăn trâu nghịch “dại” một quả bom bi mà tưởng là bóng sắt, hay như chị Trần Thị Đạt (thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải) được mệnh danh là “kiện tướng” về rà phá bom mìn. Kinh nghiệm thường ngày đối mặt với "tử thần" đã giúp chị có ngày rà phá được hơn 500 quả đạn…
Chồi xanh nẩy lộc
Giải phóng xong phần lớn đất đai, Gio Linh được quy hoạch thành ba vùng kinh tế rõ rệt phù hợp với tiềm năng địa phương. Kinh tế vùng gò đồi miền núi phát triển các loại cây công nghiệp, nông nghiệp như: Chè, cao su, hồ tiêu…, các mô hình trang trại tổng hợp được đẩy mạnh, hình thành các khu sản xuất tập trung. Tính đến năm 2011, toàn huyện đã có 65 trang trại, 2.548ha cao su, đưa vào khai thác 600ha, sản lượng đạt được 1.314 tấn; 426ha hồ tiêu, sản lượng 407,5 tấn… Những khu vực được coi là “cấm địa” năm xưa với loang lổ các vết bom đạn như Cồn Tiên, Dốc Miếu đã được phủ xanh bạt ngàn cao su, đây được xem là ngành kinh tế mũi nhọn cho toàn huyện, một thứ “vàng trắng” góp phần làm hồi sinh mạnh mẽ vùng đất chết.
Vùng đồng bằng hình thành các vựa lúa 2 vụ cho năng suất cao, kết hợp chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá… Sản lượng lương thực năm 2011 mặc dù chịu sự tác động của thiên tai, bão lũ nhưng đã đạt hơn 33.000 tấn, với năng suất gần 50 tạ/ha. Ngoài các vựa lúa lâu năm ở các xã Trung Hải, Trung Sơn thì trong những năm trở lại đây, đã hình thành các vựa lúa cho năng suất cao ở dọc đường Xuyên Á: Xã Gio Quang, Gio Mai. Một xã khác như: Gio Thành, Gio Mỹ được xem là vùng khô cằn khó khăn trong trồng trọt, thì nay cũng đã bắt kịp các vùng lân cận đã sản xuất được lúa 2 vụ cho hiệu quả cao.
Lãnh đạo huyện thăm và khảo sát tình hình phát triển kinh tế tại địa phương. |
Một lợi thế mạnh nữa gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế cả huyện đó là nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản chiếm tỷ trọng tới 2/3 kinh tế vùng. Toàn huyện hiện có gần 800 tàu thuyền các loại, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng hải sản năm 2011 đạt 10.900 tấn. Đặc biệt, huyện đã có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực lâm nghiệp, đến nay, toàn huyện có 17.048ha rừng, trong 5 năm qua đã khai thác 36.025 m3 gỗ.
Năng động trong suy nghĩ, chịu khó tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đời sống của người dân Gio Linh đang có những tiến bộ, khởi sắc từng ngày. Tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 11%, hơn 90% hộ được sử dụng nước sạch, đến nay có 20 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã, thị trấn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/năm… Theo ông Nguyễn Huy Hùng (Chủ tịch UBND huyện Gio Linh) thì những năm tới, huyện Gio Linh sẽ phấn đấu chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư chiếm 40%; công nghiệp, xây dựng đạt 22%; thương mại, dịch vụ và du lịch đạt 38%. Phấn đấu năm 2015, bình quân lương thực đạt 500 kg/người/năm và thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hùng nhấn mạnh: “So với mặt bằng chung tại Quảng Trị, huyện Gio Linh vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn về điều kiện lịch sử, thiên nhiên. Nhưng những thành quả hôm nay, đã khẳng định sự nỗ lực, tiến bộ của các cấp chính quyền và người dân cùng nhau tái thiết và xây dựng quê hương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc đổi mới, kiến thiết cuộc sống nhân dân xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đã giao phó”.
Nguyễn Tiến Nhất