Hiện tượng “rút ruột” sản phẩm đang diễn ra rất phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Dễ qua mắt người dân
Bà Vũ Thị Sinh, một người tiêu dùng đang mua mì chính và bột mì tại siêu thị Hapromart trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: “Mua các hàng đóng gói sẵn thường tôi chỉ để ý xem nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm nặng bao nhiêu để chọn mua cho phù hợp, có mấy ai về cân lại bao giờ. Chắc chắn nhiều sản phẩm cũng không đóng gói chính xác, nhưng những sản phẩm nhỏ chênh lệch chút ít nên rất ít khi phát hiện ra”. Không riêng bà Sinh, mà hầu hết người tiêu dùng đều không có thói quen kiểm tra lại trọng lượng sản phẩm đóng gói khi mua về.
Tăng cường giám sát trọng lượng hàng đóng gói sẵn. |
Chính tâm lý dễ dãi của người dân đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp gian dối trong đóng gói sản phẩm. Kết quả của các cuộc thanh tra mới đây cho thấy, hiện tượng “cân điêu, đóng thiếu” vẫn diễn ra nhan nhản.
Vừa qua, lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra 2 mặt hàng bánh đậu xanh và bánh ngọt của hai cơ sở T.H. và G.B, trên bao bì mỗi sản phẩm có ghi 450 g, nhưng thực tế chỉ có 404 g; có sản phẩm trên bao bì ghi 80 g, thực tế khối lượng thực chỉ có 74,5 g... Hay sản phẩm thịt bò khô T.Đ, trên bao bì ghi là 60 g nhưng chỉ có 41,2 g. Cá biệt, có nhà sản xuất “ăn gian” của khách hàng tới 60 g/gói bánh so với trọng lượng ghi trên bao bì. Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ phải trả tiền mua đúng như những gì ghi trên bao bì.
Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết: “Đối với người tiêu dùng, khi mua hàng đóng gói sẵn như 1 kg đường, 1 gói mì chính thì rất khó xác định được sự thiếu hụt. Nếu nhà sản xuất cố tình vi phạm thì sự thiếu hụt trọng lượng này cũng rất nhỏ, khiến nhiều người tiêu dùng không để ý, không quan tâm mà nếu có quan tâm thì cũng không có biện pháp gì để kiểm tra. Tuy nhiên, xét góc độ tổng thể, nếu một gói mì định lượng 75 g, bị thiếu 20 g thì không lớn với người tiêu dùng cá nhân, nhưng với số lượng hàng triệu gói bán ra, thì nhà sản xuất đã gian lận được số tiền rất lớn. Điều này là không công bằng cho những nhà sản xuất chân chính, vì họ nghiêm túc thực hiện những điều ghi trên nhãn mác, nhưng cũng bị đánh đồng với nhà sản xuất gian lận”.
Tăng cường thanh tra, giám sát
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và công bằng cho các doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 21 quy định về định lượng hàng đóng gói sẵn, trong đó cũng quy định về việc sử dụng dấu định lượng chữ “V” để xác nhận cho những sản phẩm được đóng gói đúng quy định, để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng Cục Đo lường chất lượng cho biết: “Việc đăng ký dấu định lượng không những không gây khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, mà ngược lại khi đăng ký dấu định lượng này, sẽ mang lại những lợi ích nhất định như: Có được lòng tin của khách hàng, nâng cao doanh thu bán hàng; đặc biệt, khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường ngoài nước, cơ quan kiểm tra về đo lường của nước ngoài có căn cứ để xem xét, miễn giảm kiểm tra khi nhập khẩu, giảm bớt các thủ tục lưu thông...
Cùng với các văn bản pháp luật, Bộ KH&CN cũng đang tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý các sai phạm. Trong đợt thanh tra diện rộng năm 2015, đã phát hiện 556 cơ sở vi phạm về định lượng hàng đóng gói sẵn, bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng. Đối với các trường hợp vi phạm, theo ông Trần Minh Dũng, ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra còn được áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cơ sở vi phạm như: Thu hồi hàng hóa vi phạm; định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng... “Thời gian tới Bộ KH&CN cũng sẽ có kế hoạch sẽ “bêu” tên các doanh nghiệp, cơ sở bị phát hiện vi phạm về gian lận trong đóng gói hàng hóa để tăng hiệu quả răn đe, xử phạt”, ông Dũng cho biết thêm.
Để thực hiện nghiêm quy định về đo lường với hàng đóng gói sẵn, theo ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN: Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu, lưu thông buôn bán hàng đóng gói sẵn tuân thủ các quy định về đo lường đối với trọng lượng hàng đóng gói sẵn; đẩy mạnh đội ngũ nhân lực kiểm soát về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; tăng cường sự chủ động của các tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận công bố sử dụng dấu định lượng và chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát về đo lường hàng hóa phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, lưu thông các sản phẩm hàng hóa đóng gói sẵn để phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm.