Giảm nghèo bền vững - Bài cuối: Cuộc đời sang trang từ vốn vay hộ nghèo

Được hỗ trợ “chiếc cần câu” từ nguồn vốn vay chính sách, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có điều kiện để đầu tư sản xuất, tạo bước đà phát triển kinh tế bền vững, thay đổi cuộc sống, làm giàu chính đáng.

Đặt chân đến xã Phú Thọ, huyện Tam Nông - nơi nổi tiếng làng nghề khô truyền thống, phóng viên đến thăm nhà chị Hồ Thị Trinh ở ấp Phú Thọ B, hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội qua ủy thác hội Liên hiệp phụ nữ xã.

Chú thích ảnh
Từ nguồn vốn vay hộ thoát nghèo, gia đình anh Phùng Văn Hừng (44 tuổi) ngụ ấp Phú Thọ A, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả. 

Tiếp đón chúng tôi là một người mẹ đơn thân 44 tuổi và đang là chủ của một cơ sở làm khô cá có tiếng, một tấm gương tiêu biểu về làm kinh tế thoát nghèo tại địa phương. Khi nói về những khó khăn đã qua, chị Trinh kể và không kìm được nước mắt, trước năm 2015, bàn tay trắng một mình nuôi 2 con nhỏ, chủ yếu ba mẹ con lay lắt qua ngày bằng đồng tiền làm thuê cho các hộ sản xuất khô. Năm 2015, được vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách đã thay đổi cuộc đời chị.

Có vốn trong tay, chị bắt đầu “thử sức” kinh doanh bằng việc sản xuất khô. Khởi điểm lập nghiệp, chị lấy công làm lời, vừa là chủ, vừa là người làm thuê. Chỉ sau 3 năm (năm 2018) chị Trinh đã trả lại sổ hộ nghèo, chính thức thoát nghèo. Chí thú làm ăn, hoàn vốn tốt, đến năm 2019, chị Trinh được hội xét cho vay 20 triệu đồng để mở rộng cơ sở.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị Trinh đã giải quyết việc làm cho 15 công lao động làm việc quanh năm, bình quân mỗi ngày xử lý khoảng 1 tấn cá nguyên liệu. Sau khi trừ chi phí, cũng mang về thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.

Không chỉ chị Hạnh, gia đình anh Phùng Văn Hừng (44 tuổi) và chị Lê Hồng Hạnh (45 tuổi) trú tại ấp Phú Thọ A cũng chung niềm vui thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả và là chủ cơ sở kinh doanh khô Bảo An.

Chị Hạnh nói, vốn là hộ cận nghèo lại nuôi một đứa con đang tuổi ăn học, nhà nghèo tưởng chừng như không cải thiện nổi, thậm chí chỉ mơ về một căn nhà lành lặn thay cho căn nhà tình thương đã xuống cấp ọp ẹp. Năm 2017, từ nguồn vốn 25 triệu đồng, từ cảnh cấy dặm lúa thuê, giăng câu… anh chị đầu tư mua bán mặt hàng khô - đặc sản của địa phương. Có duyên “buôn bán” nên chỉ sau năm 2018 gia đình đã thoát cận nghèo.

Hiện tại, mỗi ngày chị Hạnh tiêu thụ khoảng 100 kg khô ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Để đảm bảo nguồn hàng ổn định, hiện cơ sở kinh doanh của Bảo An đầu tư tủ đông với trữ lượng 1 tấn khô. Ngoài ra, anh chị còn đầu tư vào máy hút chân không mini với khối lượng tối đa 1kg để hợp vệ sinh và phục vụ khách hàng vận chuyển xa.

Ông Đàm Minh Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ cho biết, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân, góp phần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Bằng sự cần cù và được tiếp vốn kịp thời nên đời sống của bà con nghèo ở xã đã có sự đổi thay đáng kể. Hiện, địa phương đang quản lý nguồn vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội với tổng dư nợ gần 27 tỷ đồng, gần 1.400 hộ vay nhưng không có nợ xấu.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Nông cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, các hội đoàn thể trên địa bàn đã bình xét cho vay được 187 lượt hộ nghèo số tiền là 4,2 tỷ đồng; 255 hộ cận nghèo số tiền gần 7 tỷ đồng. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo địa phương sẽ giảm từ 2-3% trong năm 2020.

Theo ông Long, điều đáng trân trọng là các hộ nghèo, cận nghèo có ý chí, nghị lực và tinh thần lao động để thoát nghèo. Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn, được các đoàn thể động viên, hỗ trợ tư vấn phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình, sức lao động; Ngân hàng Chính sách vay vốn với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, từ đó các hộ có định hướng phù hợp, sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Hướng đến sự bền vững, sau khi thoát nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn tiếp tục đồng hành bằng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với mức vốn vay cao hơn (tối đa 100 triệu đồng/hộ). Không chỉ vậy, đối với các hộ có nhu cầu vay vốn để thực hiện các dự án nông nghiệp phát triển thế mạnh nông nghiệp địa phương (lúa, vịt…), đơn vị cũng sẵn sàng giải ngân số vốn lớn để sản xuất phát triển kinh tế, nếu các hộ này đã được các hội đoàn thể thẩm định, xét duyệt.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 2016-2020, đã có hơn 186 nghìn lượt hộ vay được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách với số tiền hơn 4.230 tỷ đồng. Qua đó đã giải quyết nhu cầu vay vốn cho hơn 19.000 hộ nghèo, trên 13,6 nghìn hộ cận nghèo, gần 45.000 hộ mới thoát nghèo để chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, cùng nhiều đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn tín dụng chính sách. Từ đó đã giúp cho gần 37 nghìn lượt hộ thoát nghèo. 

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Giảm nghèo bền vững - Bài 1: Tạo điều kiện để người nghèo tiệm cận với vốn chính sách
Giảm nghèo bền vững - Bài 1: Tạo điều kiện để người nghèo tiệm cận với vốn chính sách

Trong những năm qua, xác định việc giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vì thế tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN