Giải quyết "vùng trũng nhân lực” cho Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng tiềm năng về kinh tế của cả nước, nhưng chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. Một trong các nguyên nhân quan trọng là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao là một yêu cầu rất cần thiết để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng.

Những tín hiệu đáng mừng


Trong những năm qua, giáo dục đào tạo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có bước phát triển nhanh chóng, mạng lưới trường lớp học phân bố đều khắp, việc thực hiện kiên cố hóa và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học được đẩy mạnh. Tính đến tháng 6/2013, các tỉnh Tây Nguyên có gần 3.200 trường phổ thông các cấp, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã được đầu tư xây đựng và đang từng bước được mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ huy động và nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến hết năm 2012, hơn 99% số xã, phường trên địa bàn Tây Nguyên đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, 19,97% trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt trên 89%, tiểu học trên 99%. Chất lượng học tập được nâng lên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm học 2012 - 2013 toàn vùng số học sinh tốt nghiệp đạt trên 97%.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum động viên các em học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh nhân dịp khai giảng năm học mới.Sỹ Thắng


Hệ thống các trường đại học (ĐH) và các phân hiệu đại học có 44 chuyên ngành đào tạo hệ chính quy và 8 chuyên ngành đào tạo sau ĐH. Tổng số sinh viên theo học tại các trường là 39.369, trong đó có 3.731 sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 9,47%. Theo báo cáo của các trường, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung bình mỗi khóa đạt 90%; số sinh viên sau khi ra trường có việc làm ổn định và làm việc đúng chuyên ngành đào tạo đạt bình quân trên 65%, đóng góp tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên.

 

Thời gian qua hệ thống các trường ĐH ở Tây Nguyên đã đóng góp tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên. Thực tế, một số cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn và nhiều cán bộ chuyên môn ở các địa phương trong vùng hiện nay được đào tạo tại chính các trường ĐH này. Nhiều trường ĐH ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… cũng đã và đang đào tạo một số lượng đáng kể nguồn nhân lực có chất lượng cho Tây Nguyên.


Bên cạnh đó, các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) cũng đã và đang đào tạo được nhiều giáo viên cho toàn vùng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có hiệu quả. Hiện nay tổng số sinh viên theo học là 10.442, trong đó có 1.649 sinh viên DTTS, chiếm 15,79%. Theo báo cáo của các trường, từ năm 2010 về trước số sinh viên được đào tạo ở các trường CĐSP sau khi tốt nghiệp ra trường bố trí công tác đạt 98%.


Theo bà H’Ngăm Niê Kdăm, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những kết quả trong việc giáo dục, đào tạo của hệ thống các trường ĐH, CĐ và các cơ sở dạy nghề trong vùng đã đóng góp có hiệu quả vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên. Đây là những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của vùng. Nhưng hiện nay nguồn nhân lực có chất lượng cao ở Tây Nguyên còn rất hạn chế. Toàn vùng chỉ có 15 phó giáo sư, 103 tiến sĩ, 1.500 thạc sĩ và 43.505 người có trình độ đại học. Tuy vậy, số nhân lực có học hàm, học vị cao phần lớn tập trung ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu (các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu…); còn ở các cơ sở sản xuất rất ít cán bộ có học hàm, học vị cao.

Nhiều năm qua, Trung ương đã có những chủ trương, chính sách riêng đối với vùng Tây Nguyên về vấn đề này. Gần đây nhất, để giải quyết cơ bản về đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên và các vùng phụ cận, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg “Về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015” trong đó đưa ra những chỉ tiêu cụ thể của các ngành, bậc đào tạo. Đây là những yêu cầu cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực cao cho Tây Nguyên hiện nay.


Vẫn còn nhiều hạn chế


Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ở Tây Nguyên nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, cần được cải thiện. Hiện tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân mới chỉ đạt 136,60 sinh viên/1 vạn dân, sinh viên DTTS so với tổng số sinh viên ở các trường ĐH, CĐ đạt thấp. Số lao động toàn vùng đã qua đào tạo nghề mới đạt 26,3% (bằng 75,14% so với chỉ tiêu đến năm 2015)…

Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 20 trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp và CĐ nghề; trong đó hệ thống giáo dục ĐH có: ĐH Tây Nguyên, ĐH Đà Lạt, ĐH Yersin và ba phân hiệu ĐH: Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại tỉnh Kon Tum, Phân hiệu ĐH Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai và Phân viện Học viện Hành chính tại tỉnh Đắk Lắk. Hệ thống trường CĐ có bốn trường CĐSP ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng và 6 trường CĐ chuyên ngành, 4 trường CĐ nghề gồm: CĐ nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, CĐ nghề Đắk Lắk; CĐ nghề Đà Lạt, CĐ nghề Gia Lai.


Trước những yêu cầu mới, nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề, các tỉnh trong khu vực vùng Tây Nguyên cần thành lập thêm từ 5 - 7 trường trung cấp chuyên nghiệp; phấn đấu nâng số lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên 14% trong tổng số lao động qua đào tạo; thu hút từ 5 - 8% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp. Về dạy nghề, đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35% so với tổng số lao động; toàn vùng có 5 trường CĐ nghề, 15 trường trung cấp nghề; mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp để thu hút từ 5 - 7% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Trần Quang Quý cho rằng các trường ĐH, CĐ ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế về khả năng đào tạo nguồn nhân lực. Số lượng sinh viên được đào tạo ở các trường ĐH trên địa bàn còn ít (ngoại trừ Trường ĐH Đà Lạt có gần 18.000 sinh viên, ĐH Tây Nguyên có gần 11.000 sinh viên, còn các trường và phân viện ĐH khác chỉ có từ 1.500 - 2.300 sinh viên). Hiện nay, ở Tây Nguyên chỉ mới có 136,60 sinh viên/1 vạn dân (trong khi yêu cầu đến năm 2015 phải đạt 180 sinh viên/1 vạn dân).


Là vùng có đông đồng bào các DTTS, nhưng tỷ lệ sinh viên người DTTS chỉ chiếm 9,47% trong tổng số sinh viên (trong khi yêu cầu đến năm 2015 sinh viên DTTS phải đạt 18 - 20% tổng số sinh viên). Quy mô ngành nghề chưa phong phú, chưa đáp ứng thực tế tình hình Tây Nguyên. Là vùng sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, nhưng ngành nghề đào tạo về chế biến sau thu hoạch chưa phát triển. Bên cạnh đó các tỉnh Tây Nguyên là vùng đa sắc tộc, phong phú về loại hình văn hóa, nhưng các ngành khoa học xã hội nhân văn, nhất là các chuyên ngành về nghiên cứu văn hóa dân tộc, lịch sử… chưa phát triển; việc đào tạo bác sĩ đa khoa còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Số lượng giảng viên ĐH còn thiếu nhiều, hiện nay bình quân 40,93 sinh viên/1 giảng viên (trong khi yêu cầu từ 17 - 26 sinh viên/1 giảng viên). Tính chung, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ so với số giảng viên còn rất thấp; ở các trường ĐH chỉ mới đạt 0,89%; các trường CĐSP chỉ mới đạt 0,9%, còn ở các trường CĐ chuyên ngành và CĐ nghề có gần 16.000 học viên nhưng chỉ có 2 tiến sĩ. Về công tác dạy nghề, có sự tăng nhanh về cơ sở dạy nghề, quy mô tuyển sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong vùng thấp, mới chỉ đạt 26,3% (chỉ tiêu đến 2015 là 35%). Chất lượng và hiệu quả dạy nghề có chuyển biến nhưng nhìn chung còn chậm, giáo viên và đội ngũ cán bộ dạy nghề thiếu...


Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN