Đề xuất này liệu có phù hợp với những biến động của thị trường điện và khắc phục triệt để những bất cập về giá điện hiện nay, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh về vấn đề này.
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu giá bán lẻ điện. Ông có đánh giá gì về biểu giá mới đang được lấy ý kiến, thưa ông?
Trong dự thảo lần này, với các hộ sử dụng điện, có thể thấy khách hàng rất ít bị ảnh hưởng do việc điều chỉnh, nhất là các hộ sử dụng điện dưới 700 kWh, thậm chí một số còn có lợi hơn. Với nhóm khách hàng sử dụng từ 700 kWh/tháng trở lên thì tác động khá lớn. Có thể hiểu là Bộ muốn thông qua hình thức kinh tế để tạo ra thay đổi thói quen tiêu dùng điện của khách hàng, cân nhắc trong sử dụng điện một cách tiết kiệm hơn.
Vấn đề được nhiều người dân thắc mắc là tình trạng bù chéo giá điện. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này và đây có phải là bất cập trong biểu giá bán lẻ điện hiện nay? Với dự thảo biểu giá mới, vấn đề này được giải quyết ra sao, thưa ông?
Chúng ta cần hiểu rõ hơn về vấn đề bù chéo giá điện. Trong cơ cấu biểu giá điện, có 3 cơ chế bù chéo. Thứ nhất là cơ chế bù chéo giữa các hộ sinh hoạt - công nghiệp. Khối công nghiệp có mức giá điện trung bình, lúc thấp điểm thì giá khá thấp và chỉ có ở giờ cao điểm mới phải chi trả mức giá điện cao hơn so với các hộ gia đình. Trường hợp này được hiểu là để thu hút đầu tư cho sản xuất công nghiệp, đây cũng là động lực để phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm. Chi phí điện năng của các doanh nghiệp quá cao cũng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, nhìn lại kinh nghiệm quốc tế, việc tránh bù chéo chỉ có thể thực hiện trong trường hợp áp dụng “phụ phí” lên các hộ sản xuất công nghiệp, tức là khi sử dụng công suất cao thì có thể “phụ phí” về công suất, đem lại sự công bằng hơn giữa các hộ sinh hoạt và sản xuất.
Thứ hai là bù chéo giữa bản thân các đơn vị điện lực. Do đặc thù nhóm khách hàng, cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhóm chịu tác động, gặp nhiều khó khăn như vùng sâu, xa, hải đảo… nên cơ chế bù chéo sẽ giúp các công ty điện lực trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo yếu tố tài chính, vận hành của doanh nghiệp…
Thứ ba là bù chéo giá bán cho các nhóm vùng sâu, xa, hải đảo. Bản chất là EVN đã phải bù giá bán cho các khách hàng ở khu vực này.
Vậy theo ông, biểu giá bán lẻ điện hiện nay đã đảm bảo mục tiêu khuyến khích tiết kiệm điện hay chưa?
Nếu nói về đảm bảo khuyến khích tiết kiệm năng lượng, tôi chưa thấy có tác động đủ lớn. Tác động về chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm chưa được rõ ràng.
Tác động lớn nhất nhìn thấy là nhóm hộ gia đình sử dụng trên 700 kWh/tháng sẽ phải chi trả nhiều hơn. Tuy nhiên, nhóm hộ gia đình chỉ tiêu thụ khoảng 25% tổng tiêu dùng điện, còn khối công nghiệp dùng trên 50%, thậm chí gần 60%. Như vậy là tác động thực sự cho câu chuyện cắt giảm điện sẽ không cao.
Mới đây, EVN tiếp tục có đề xuất tăng giá bán lẻ điện, ông có đánh giá thế nào về đề xuất này?
Giai đoạn vừa qua, có nhiều tranh cãi, câu hỏi liên quan đến lỗ lãi trong kinh doanh của EVN, đặc biệt trong năm 2022. Nhưng nhìn lại trên thế giới, không chỉ có EVN mà nhiều tập đoàn lớn cũng chịu tác động lớn từ biến động giá nhiên liệu, ví dụ như Tập đoàn Điện lực của Pháp năm 2022 cũng lỗ là 5 tỷ Euro…
Về cơ bản, con số lỗ của các tập đoàn điện lực liên quan tới giá nhiên liệu tăng rất cao, có lúc lên tới gấp 6-8 lần so với giá thông thường. Với ngành điện các nước, họ có thể điều chỉnh khá linh hoạt ở trong biểu giá của họ, các yếu tố như giá công suất, cơ chế cho phép điều chỉnh. Hay ở Đức, một số công ty bán lẻ điện không bị kiểm soát về giá bán lẻ và họ đàm phán với khách hàng, điều chỉnh giá theo mức nào đó, trong thời gian phù hợp với giá nhiên liệu tăng cao. Do đó họ không phải gánh chịu mức lỗ phải tích lũy
Quay lại với EVN, biểu giá điện, mức giá bán lẻ điện trung bình hiện nay hoàn toàn do Chính phủ quy định. Mặc dù EVN cũng có cơ chế được phép điều chỉnh trong trường hợp các chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào thay đổi 3-5%. Nhưng thực tế vừa qua, EVN vẫn phải xin phép các bộ, ngành liên quan vì vấn đề tăng giá điện còn ảnh hưởng nhiều yếu tố khác liên quan đến kinh tế - xã hội, chứ không đơn thuần là tăng tùy ý.
Đây là khó khăn thực sự, EVN đã lỗ rồi, nhưng rất khó nhìn thấy cơ hội để hoàn phần lỗ đó hoặc giảm tác động của giá nhiên liệu đầu vào. Do đó, việc EVN đề xuất tăng giá điện lần 2 này chỉ cách hơn 2 tháng sẽ có khó khăn nhất định.
Theo tôi, cần có động thái điều chỉnh từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan để trước mắt có dòng vốn hỗ trợ EVN, không phải bù lỗ mà để có nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh phù hợp, đầu tư cho các dự án cấp thiết. Nếu không, rất có thể dẫn tới tình trạng tiếp tục thiếu điện, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian sắp tới.
Vậy ông đánh giá thế nào về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng thay vì 6 tháng như trước đây của Bộ Công Thương?
Câu chuyện điều chỉnh 3 hay 6 tháng không phải vấn đề lớn. Như giá xăng dầu đã có cơ chế cho phép điều chỉnh theo kỳ, có lên có xuống. Nếu với điện cũng cho phép điều chỉnh trong 3 tháng, với ngưỡng phù hợp sẽ không tạo ra cú sốc quá nặng. Ví dụ giá nhiên liệu tăng lên 10-20% nhưng EVN chỉ điều chỉnh 2-3% thì tác động cũng không quá lớn, tránh việc dồn ứ chênh lệch chi phí và điều chỉnh với con số cao.
Bản chất hiện nay, giá bán lẻ điện đang thấp hơn nhiều so với mức tăng các chi phí khác. Không chỉ EVN, nhiều công ty, tập đoàn trên thế giới cũng gặp áp lực tương tự. Nếu chúng ta có được cơ chế linh hoạt, mềm mại hơn thì rõ ràng trong trường hợp này, tác động cũng sẽ không quá lớn.
Xin cảm ơn ông!