Không ít băn khoăn
Bộ Công Thương vừa đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng.
Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được Bộ Công Thương chấp thuận thì sẽ tăng giá.
Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá quy định, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng.
Đề xuất này của Bộ Công Thương nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo ông Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, việc quy định cụ thể biên độ tăng/giảm giá bán lẻ điện và thẩm quyền điều chỉnh sẽ là căn cứ để giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến giá đầu vào của ngành điện. Thời gian điều chỉnh là 3 tháng thay vì 6 tháng như trước, là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường điện cạnh tranh đang được vận hành.
Theo ông Long, thực tế vừa qua cho thấy, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng liên tục, đặc biệt là giá than, giá khí, xăng dầu... nếu không kịp thời cập nhật các chi phí, sẽ không đảm bảo được chi phí sản xuất, giá thành đầu vào cho ngành điện. Cần thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tạo tiền đề cho giá điện thực sự có tăng có giảm.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, việc rút ngắn xuống 3 tháng là không phù hợp, có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng còn chưa thực hiện được thì việc thay đổi có hợp lý không?
Quan trọng là điều tiết theo cơ chế thị trường
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành từ năm 2017 nhưng việc thực thi lại không theo các quy định. Dẫn chứng là đợt điều chỉnh gần nhất là tháng 5/2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% so với mức giá năm 2019, như vậy, trong 4 năm trước đó, giá bán điện bình quân không được điều chỉnh, không được điều tiết theo tín hiệu thị trường.
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, việc quy định 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần không cần thiết nếu điện được điều tiết theo cơ chế thị trường. Có thị trường mua bán rõ ràng, không có yếu tố độc quyền thì không cần thời gian bao lâu để điều chỉnh nữa.
Về vấn đề này, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, các chi phí cấu thành giá điện được tính đúng và giá điện được điều chỉnh theo biến động thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đất nước. Từ khi ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường, giá bán lẻ điện được điều chỉnh không những đảm bảo tài chính bền vững cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, vận hành hệ thống mà còn đảm bảo tài chính cho các nhà đầu tư ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh điện.
Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng “nhạy cảm”, việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân, nên trong một số năm, giá điện được giữ ổn định.
Vì thế, ông Quang cho rằng, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển thị trường điện. Mục tiêu là thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng. Cần ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ với thẩm quyền thuộc Chính phủ và đơn vị điện lực; bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước vẫn phải tiếp tục, dù có hình thành thị trường bán lẻ điện thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát. Giá năng lượng, giá điện luôn được xác định phải theo thị trường, dần dần xóa bỏ bù chéo. Cơ cấu ngành điện thế nào thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát, kiểm soát ở mức độ nào để tăng cạnh tranh, minh bạch là quan trọng.