Giải quyết bồi lấp cửa biển Tam Quan

Đi trên kè chắn sóng từ đất liền ra khoảng 300m nhìn xuống, cửa biển Tam Quan, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) như bị thu hẹp bởi những cồn cát vàng dưới mặt nước vài ba tấc, tạo thành một vạt dài. Cát bồi lấp ngày càng nặng đã làm cho cửa biển Tam Quan thu hẹp dần, chiều rộng từ trên 150 m đến nay chỉ còn khoảng 50 mét sát vách núi Trường Xuân. Do đó, các tàu cỡ lớn ra vào rất khó khăn và nguy hiểm.

Ngư dân sinh sống gần đó cho biết, bồi lấp do cát gây ra ở cửa biển này ngày càng trầm trọng. Người dân sống bằng khai thác hải sản xa bờ nhưng cửa biển thường xuyên bị bồi lấp khiến họ phải đi các cửa biển trong và ngoài tỉnh để hành nghề. Ông Diệp Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết: Việc giải quyết tạm thời khơi thông luồng cửa biển khó khăn vì khối lượng cát bồi lấp lên đến hàng trăm nghìn mét khối. Thời gian qua, huyện và xã đã hợp đồng với một số đơn vị cho tàu hút cát nhưng hút được một thời gian thì cát lại tràn vào như cũ. Không còn cách nào khác, mới đây UBND huyện Hoài Nhơn đã đề nghị cấp trên cho Công ty Hoài Nhơn được phép hút cát để khai thông luồng lạch, chi phí được trả bằng chính lượng cát hút được.

Trong lúc chờ những phương án khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Tam Quan, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Công ty CP Hoài Nhơn hút cát để khơi thông luồng lạch.


Việc cát bồi lấp cửa biển Tam Quan bắt đầu xuất hiện từ năm 2004. Nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã thuê các đơn vị nạo vét cát nhưng công việc này giống như “dã tràng xe cát”. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên hệ và phối hợp với các chuyên gia, các trường đại học trong nước để nghiên cứu tìm giải pháp lâu dài giải quyết căn bản việc bồi lấp cát ở cửa biển Tam Quan. Tiến sĩ Lê Công Nhường, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh cho biết: Mới đây, Hội đồng khoa học tỉnh đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để khắc phục hiện tượng bồi lấp cửa ra vào khu neo đậu tàu thuyền áp dụng cho cửa biển Tam Quan - Bình Định” do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Đức, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) làm chủ nhiệm.

Qua 2 năm (2012-2014) thực hiện khảo sát, phân tích, thí nghiệm cho thấy cửa biển Tam Quan bị bồi lấp là do hình dạng bất đối xứng về địa hình cửa sông, trường sông; một phần trầm tích và lưu lượng sông bị chặn tại các hồ chứa nước ở thượng lưu. Nhưng nguyên nhân chính là do lượng bùn, cát được tích tụ từ trước và ngay trong thời gian xây dựng tuyến kè chắn sóng ở phía Nam. Để khắc phục, trước mắt các nhà khoa học đề ra 2 phương án: Phương án 1 là giữ nguyên tuyến kè chắn sóng phía Nam và làm bổ sung kè phía Bắc, giảm sóng dốc ở mũi núi đá Trường Xuân theo hướng Đông Đông Nam. Phương án 2 là vẫn giữ nguyên kè phía Nam, bờ Bắc bố trí công trình chắn cát giảm sóng gốc mũi Trường Xuân theo hướng tuyến Đông Nam. Về lâu dài bổ sung công trình phía Nam để ngăn cát, giảm sóng từ phía Nam, đồng thời chống bùn cát từ phía Bắc tràn xuống.

Có thể nói cách làm đã có nhưng để đầu tư thì số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, một nguồn kinh phí rất lớn đối với địa phương. Tỉnh Bình Định mong muốn được các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ xem xét hỗ trợ.

Viết Ý
Nhiều cửa biển ở Phú Yên tiếp tục bị bồi lấp
Nhiều cửa biển ở Phú Yên tiếp tục bị bồi lấp

Các cửa biển thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) tiếp tục bị bồi lấp khiến ngư dân vô cùng lo lắng vì đã bắt đầu mùa đi biển mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN