Giải pháp tiến sâu vào thị trường Trung Quốc 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn, nhiều tiềm năng phát triển nhưng để khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của đối tác.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo định hướng xuất khẩu bền vững nông sản vào thị trường Trung Quốc do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 1/3. 

Chú thích ảnh
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục Trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu tại hội thảo.

Thị trường tiêu thụ khổng lồ

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông, lâm sản, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Xét về tổng thể quan hệ thương mại năm 2018, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới 24 tỷ USD nhưng riêng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc tới 6,17 tỷ USD, đóng góp rất lớn vào tổng thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2018 (7,21 tỷ USD).

Theo ông Lê Thanh Hòa, Trung Quốc với dân số trên 1,4 tỷ dân là một thị trường tiêu thụ nông sản khổng lồ, trung bình mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu tới 160 tỷ USD hàng nông, lâm, thủy sản. Đây là thị trường xuất khẩu chủ đạo đối với các mặt hàng cao su, sắn và tinh bột sắn, gạo, rau quả của Việt Nam thời gian qua. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng khác như thủy sản, đồ gỗ và lâm sản…

Trong khi đó, ông Lê Nhật Trường Chinh, Cố vấn trưởng Business Consultans Japan tại Việt Nam nhận định, với lãnh thổ rộng lớn và dân số đông bậc nhất thế giới, mỗi địa phương của Trung Quốc đã là một thị trường tiêu thụ tương đương với một quốc gia, ví dụ như tỉnh Sơn Đông có dân số 90,5 triệu người, Quảng Đông có dân số trên 104 triệu người, Tứ Xuyên trên 80 triệu người…

Nhu cầu tiêu dùng nông sản của Trung Quốc rất lớn và cũng rất đa dạng. Cụ thể, các tỉnh phía Đông Trung Quốc có nhu cầu lớn về cao su, sắn và sản phẩm tinh bột sắn, trong khi đó, các địa phương như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Phúc Kiến, Hồ Nam có nhu cầu lớn về gạo…

Tuy nhiên, khác với xu hướng nhập khẩu đại trà trước đây, nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc đang thay đổi rất nhanh theo hướng đòi hỏi chất lượng ngày càng cao như: yêu cầu quy trình kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận, bao bì nhãn mác… Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Trung Quốc phải có đủ các điều kiện nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất, phòng kiểm nghiệm các chỉ số chất lượng cơ bản, có hồ sơ kỹ thuật, nhật ký sản xuất đạt yêu cầu. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải kiểm tra các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Việt Nam và của Trung Quốc mới được phép cấp mã số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc và phía Trung Quốc có thể thanh tra khi cần thiết.

Với mặt hàng gạo, doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc phải có quy trình giám sát các mối nguy tương tự như HACCP và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Chỉ những doanh nghiệp được phía Trung Quốc xác nhận đủ điều kiện mới được xuất khẩu gạo vào Trung Quốc.

Ngoài ra, từ ngày 1/10/2019, tất cả sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho từng lô hàng.

Thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh

Ông Lê Thanh Hòa cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam phải xác định hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc vì mục tiêu bền vững hơn, thay đổi tư duy làm ăn theo kiểu “chộp giật” có gì bán nấy.  Với những tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao, yêu cầu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc một cách chặt chẽ từ phía Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc. Cụ thể là thay đổi phương thức đảm bảo an toàn thực phẩm từ kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong chuỗi sản xuất.

Theo ông Lê Thanh Hòa, các doanh nghiệp Việt Nam cần lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu song song với việc xây dựng thương hiệu nông sản đặc thù của từng địa phương. Thay vì tập trung vào nâng cao sản lượng, Việt Nam cần đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản có chỉ dẫn địa lý và cả sản phẩm hữu cơ.

Một yếu tố quan trọng không kém là phải có chiến lược quảng bá và tiếp thị sản phẩm hiệu quả, tăng cường kết nối với đối tác Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu và đưa sản phẩm nông sản Việt Nam vào sâu trong thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Shi Xinbiao, chuyên gia thị trường Trung Quốc khuyến nghị, với xu hướng tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao ngày càng gia tăng tại Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu vào đây cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho nông sản, đặc biệt là rau củ, trái cây; đồng thời xây dựng các cơ sở hạ tầng lưu giữ đảm bảo chất lượng. Để đáp ứng những yêu cầu mới của Trung Quốc, Việt Nam cần làm tốt hơn nữa việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác để quá trình thông quan, kiểm dịch được nhanh chóng.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu vào Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc kinh doanh Công ty Kim Chính cho rằng, một trong những bất cập của hoạt động xuất khẩu Việt Nam là lỗ hổng thông tin giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Trong khi các thị trường liên tục thay đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thì rất nhiều doanh nghiệp không hề hay biết. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, vốn được coi là thị trường truyền thống, dễ tính nên rất nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật các yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu mới, khi đưa hàng đến cửa khẩu bị từ chối mới biết thì rất khó giải quyết.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, chuẩn bị và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mà đối tác đưa ra. Doanh nghiệp cũng cần nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, tránh tình trạng sản xuất rồi mới đi tìm thị trường, tiêu thụ không được thì kêu “giải cứu”.

Ông Phạm Ngọc Thức nhấn mạnh, với một thị trường có nhu cầu lớn như Trung Quốc, từng doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam không thể đáp ứng hết nhu cầu cũng như chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để khai thác hiệu quả thị trường này là các doanh nghiệp Việt phải liên kết lại, hỗ trợ nhau xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản, xác định rõ chiến lược hợp tác hai bên cùng có lợi.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp rõ ràng, đặc biệt là quản lý tốt quy hoạch sản xuất. Chỉ khi đó sản lượng và chất lượng nông sản mới được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu của không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn tiếp cận được với nhiều thị trường tiềm năng khác.

Bài và ảnh: Xuân Anh (TTXVN)
iPhone bị cấm bán tại thị trường Trung Quốc
iPhone bị cấm bán tại thị trường Trung Quốc

Một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết cấm bán điện thoại thông minh iPhone của Apple tại thị trường nước này liên quan vụ tranh chấp bằng sáng chế giữa nhà sản xuất chip Qualcomm hàng đầu của Mỹ và "Trái táo cắn dở".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN