Theo kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, việc phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe được đánh giá là phù hợp để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trên. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các tuyến cao tốc còn chưa được đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, để đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu thông, các cơ quan chức năng cần sớm có sự điều chỉnh về biển báo, vạch kẻ đường, các đoạn xe vượt…
Dự án Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, chiều dài hơn 98 km với tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng được đưa vào khai thác cuối năm 2022. Tuyến này kết nối với cao tốc La Sơn - Túy Loan hơn 77 km tạo thành tuyến cao tốc dài hơn 175 km và gắn kết với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tạo trục động lực xuyên miền Trung.
Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng cho hay, việc di chuyển trên tuyến cao tốc này giúp cho thời gian vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam rút ngắn, giảm tải lưu lượng xe cho Quốc lộ 1. Tuy vậy, bà Hạnh cho rằng, việc tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc này vẫn chưa thực sự phù hợp khi các điểm để vượt cách xa nhau, ý thức tham gia giao thông của lái xe trên tuyến vẫn chưa cao khi liên tục vượt ẩu khiến cho nguy cơ mất an toàn giao thông hiện hữu.
Ngày 18/2 vừa qua, vụ tai nạn thảm khốc làm 3 người thiệt mạng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã là dẫn chứng cho những lo ngại của doanh nghiệp này. Điều đáng nói là ngay sau vụ tai nạn, tình trạng xe khách, xe container, xe con cố tình lấn làn, vượt ẩu sai quy định vẫn diễn ra phổ biến, bất chấp an toàn cũng như các biện pháp xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông.
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), một số vụ việc xảy ra trên các tuyến cao tốc mới đây cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông chưa thực sự tốt, xe vượt ẩu, lấn làn diễn ra nhiều. Thực trạng này đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Cục Đường bộ Việt Nam nhận định do cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân kỳ đầu tư nên trên đoạn thông thường, mỗi chiều chỉ có 1 làn xe chạy rộng 3,5 m và dải dừng xe khẩn cấp rộng 2 m; phân cách giữa làn xe chạy với dải dừng xe khẩn cấp bằng vạch sơn nét liền, nên có ảnh hưởng đến lưu thông của dòng xe.
Thực tế cho thấy, vì đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có 2 làn xe, không có giải phân cách ở giữa, với mỗi 10 km có một điểm vượt 4 làn nên các xe rất khó để vượt. Lưu thông trên tuyến đường này thường xuyên, lái xe Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) cho hay: "Nhiều đoạn các xe tải lớn hoặc container chạy rất chậm, chỉ 40 - 50 km/h nhưng chúng tôi lại không thể vượt do chỉ có 1 làn xe hẹp. Lái xe phải di chuyển chậm, chờ đến đoạn đường 4 làn để có thể vượt lên. Bất cập này dẫn đến nhiều xe con, xe tải vượt ẩu, lấn làn".
“Đường cao tốc có vạch liền cấm vượt quá dài khiến giảm lưu lượng xe trên tuyến đường vì phải đi quá chậm, trong khi làn đường bên đối diện vắng phương tiện lại không được phép lấn làn vượt lên”, anh Nguyễn Anh Tú nói.
Các lái xe và đại diện doanh nghiệp cho rằng, có thể tăng cường vạch sơn nét đứt (cho phép vượt) ở những vị trí, đoạn đường đẹp, bằng phẳng và tầm nhìn thông thoáng, đủ điều kiện an toàn cho các phương tiện giao thông có thể vượt lên.
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, các tuyến cao tốc 2 làn xe đã và đang góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo thuận lợi kết nối các trung tâm kinh tế. Với những vùng, cung đoạn có lưu lượng giao thông chưa lớn, quy mô phân kỳ đầu tư là phù hợp và hiệu quả, giảm vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Theo chia sẻ của ông Trần Chủng, để đầu tư một tuyến cao tốc sẽ cần tốn hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng, nên để cùng lúc đầu tư nhiều tuyến trong điều kiện ngân sách có hạn, giải pháp phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe là bài toán kinh tế phù hợp. Như vậy, sẽ có thể tiến tới mục tiêu có được 5.000 km cao tốc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng đã đặt ra.
Để nâng cao an toàn giao thông, tăng khả năng lưu thông của dòng xe trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép điều chỉnh vạch sơn phân làn giữa dải dừng xe khẩn cấp với làn đường xe chạy từ vạch sơn nét liền thành vạch sơn nét đứt.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đã giao các đơn vị rà soát tình hình tổ chức giao thông trên tuyến để bổ sung biển báo, vạch kẻ đường, hướng dẫn; trong đó rà soát các vị trí đường thẳng, tầm nhìn thuận lợi tại các đoạn 2 làn xe để điều chỉnh vạch sơn tim đường từ nét liền thành nét đứt, tạo điều kiện cho xe có thể tránh, vượt; các đoạn đường cong, dốc, vị trí không đảm bảo an toàn thì giữ nguyên vạch sơn nét liền.
Bên cạnh đó, rà soát các nút giao để điều chỉnh, bổ sung báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường, hạng mục an toàn giao thông khác đảm bảo hướng dẫn lái xe tốt nhất; tà soát các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông để điều chỉnh tốc độ khai thác thấp hơn thiết kế và phù hợp với thực tế.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư phân kỳ các dự án đường bộ cao tốc trên nguyên tắc: Quá trình chuẩn bị đầu tư, yêu cầu tính toán phương án đầu tư theo quy mô quy hoạch, quy mô phân kỳ đầu tư để lựa chọn phương án phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, Bộ chỉ phân kỳ đầu tư đối với các tuyến cao tốc trong giai đoạn đầu khai thác có nhu cầu vận tải chưa cao. Đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn xe các đoạn có nhu cầu vận tải lớn. Giải pháp phân kỳ chỉ áp dụng cho yếu tố bề rộng mặt cắt ngang (số làn xe, dải dừng xe khẩn cấp không liên tục), các yếu tố kỹ thuật khác bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc để thuận lợi cho việc mở rộng trong giai đoạn tiếp theo và bảo đảm việc khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch với quy mô 4 - 10 làn xe, tốc độ khai thác 80 - 120 km/h. Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đầu tư các tuyến đường bộ từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã và đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; huy động nguồn lực để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ.
Bộ này đang rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực (nguồn dự phòng trung hạn, nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương hàng năm hoặc trong kỳ trung hạn tiếp theo…).