Tái cơ cấu và đổi mới DNNN phải đặt trong tổng thể quá trình tái cơ cấu và đổi mới chung của nền kinh tế, tạo xung lực tích cực và là mạch dẫn chính cho quá trình biến đổi lớn lao có tính cách mạng này.
Trong quá trình đó, cần quan niệm đúng đắn và phát huy vai trò chủ đạo của KTNN; đồng thời, khắc phục những ngộ nhận và lạm dụng về vai trò của DNNN. Theo đó, về lâu dài, cần giảm tỷ trọng của DNNN trong GDP từ mức khoảng 30% GDP hiện nay xuống còn khoảng 10 - 15% GDP. DNNN không nhất thiết phải có sự đông đảo về số lượng, lớn về tỷ trọng và cồng kềnh về tổ chức, thành lập lan tràn và có mặt rộng khắp trên mọi lĩnh vực, địa bàn và không gian kinh tế quốc gia, mà tập trung phát triển các DNNN và tập đoàn với tỷ lệ vốn nhà nước khống chế thuộc các lĩnh vực mà tự nó mang tính chất độc quyền rất cao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm sức mạnh an ninh quốc phòng của đất nước, định hướng chủ đạo và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ ba, đẩy mạnh cổ phần hóa, hiện đại hóa mô hình tổ chức và minh bạch hóa cơ chế quản lý các DNNN và đầu tư công.
Tái cơ cấu DNNN trên cơ sở, tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường và tuân thủ pháp luật; tiếp tục tách bạch chức năng chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu; làm rõ cơ chế giám sát và trách nhiệm của đại diện quyền sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại các DN phù hợp với Luật DN và yêu cầu quản lý vốn nhà nước tại các DN. Tổ chức lại và chuẩn hóa việc đặt tên chính thức cho các tập đoàn, tổng công ty và DNNN theo các mô hình quản trị công ty hiện đại và yêu cầu quản lý ngày càng cao, minh bạch hơn. Các DNNN, tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải thực hiện công bố thông tin và trách nhiệm giải trình hoạt động, nhất là về tài chính, như quy định đối với các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thứ tư, chủ động phòng tránh những rủi ro từ tái cơ cấu kinh tế nói chung, tái cơ cấu DNNN nói riêng.
Tái cơ cấu DNNN là một quá trình mở, có nội hàm rộng, bao hàm cả sự chuyển dịch về kinh tế-kỹ thuật, cũng như tạo lập và duy trì các thể chế kinh tế thị trường và quản lý nhà nước tương ứng cần thiết cho sự hoạt động của chúng. Dù có xu hướng ngày càng giảm về số lượng và thu hẹp phạm vi, song tái cơ cấu DNNN trong bối cảnh mới không phải là xóa bỏ hoặc làm suy yếu các doanh nghiệp này, mà là làm cho chúng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho đời sống kinh tế-xã hội đất nước theo yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập toàn diện. Để việc tái cấu trúc DNNN có hiệu quả đòi hỏi phải bắt đúng bệnh, có cách làm mới, có lộ trình, chỉ đạo quyết liệt và hành động thực chất, không tiến hành theo kiểu phong trào và hình thức.
Do những đặc điểm của mình, quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam và DNNN trong thời gian tới sẽ có thể đối diện với 2 trở ngại lớn là sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao theo yêu cầu và sự gia tăng áp lực thất nghiệp cho các lao động dưới chuẩn và đội ngũ lao động giản đơn, từ đó làm tăng áp lực cả cho Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp và xã hội.
Đặc biệt, nếu thiếu kiểm soát thì tái cơ cấu DNNN càng làm tăng rủi ro theo các hệ quả: Rủi ro từ nguy cơ nợ nần gia tăng gắn với thiếu hụt nguồn vốn và sự gia tăng các khoản vay mới cho tái cấu trúc. Rủi ro từ lãng phí các dự án đầu tư dở dang và sự lạm dụng, thất thoát và tham nhũng vốn mới cho những dự án đầu tư mới nhân danh tái cơ cấu và phát triển... Những khó khăn và rủi ro đó có thể gây hệ lụy trái mong đợi và làm nản lòng những quyết tâm và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế tổng thể cần thiết trong thời gian tới. Vì vậy, cần có một quy định đủ hiệu lực pháp luật bắt buộc các DNNN phải niêm yết trên thị trường chứng khoán và xác định hành lang pháp lý rõ ràng cho việc thoái vốn. Có chính sách rõ ràng, thỏa đáng đối với bộ phận lao động dôi ra do tái cơ cấu DNNN…
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong