Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Theo TS Võ Trí Thành (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần tiến hành tái cơ cấu khu vực DNNN, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh cả nền kinh tế.

 

 

Thưa ông, vì sao hiện nay, Chính phủ lại phải lên kế hoạch tái cơ cấu lại DNNN, trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước?


Lý do lớn nhất của mọi quá trình tái cơ cấu là do sự chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam nói chung, theo kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập. Trong việc chuyển đổi vai trò này, vai trò của DNNN cần được bàn theo cả hai nghĩa.


Thứ nhất, vai trò của DNNN ở những lĩnh vực nào, và quan trọng đến mức độ nào.


Thứ hai, bản thân DNNN đã tồn tại trước khi nền kinh tế bắt đầu chuyển đổi, theo những hình thức khác nhau. Ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 2000 đã hình thành tư tưởng về tập đoàn, thậm chí còn trước đó, khi vào đầu những năm 1990 ra đời các tổng công ty 91 (ra đời theo Quyết định 91 của Chính phủ).

 

Bản chất của tái cơ cấu kinh tế là phân bổ hiệu quả nguồn lực.
Huy Hùng - TTXVN


Ý tưởng này gắn với việc muốn khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước, và quan trọng hơn những người chủ trương việc này có ý nghĩ là muốn làm ăn lớn thì chỉ DNNN, hay nói rõ là tổng công ty lớn, hay tập đoàn, mới đủ sức làm được, nhất là trong khía cạnh hội nhập. Ta sợ phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài khi chúng ta "thị trường hơn", hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.


Đó là còn chưa nói tới một vai trò quan trọng khác là hy vọng các DNNN lớn, các tập đoàn sẽ "đi đầu", "dẫn dắt" về hiệu quả, công nghệ, trình độ quản lý... Từ mong muốn này, Chính phủ đã cho xây dựng thí điểm các DNNN theo hình thức tập đoàn kinh tế.


Tuy nhiên, cùng với việc gia nhập WTO, với sức ép hội nhập với thế giới ngày càng mạnh hơn, cùng một lúc hay với lộ trình ngắn hơn, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cùng với những động lực của nó đã phát triển "tới hạn", với những bộc lộ căn bản nhất là yếu kém và lãng phí nguồn lực. Và trong cái "tới hạn" đó, DNNN, nhất là tập đoàn, lại càng bộc lộ nhiều yếu kém trong sản xuất, kinh doanh. Và đặc biệt khả năng của DNNN trong việc chống đỡ với những cơn bão trong nước và thế giới về môi trường kinh doanh, và đặc biệt là khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới khủng hoảng thị trường nước ngoài, bất ổn vĩ mô trong nước. Vì vậy, đây là thời điểm càng cho thấy sự thích đáng phải tiến hành tái cơ cấu khu vực DNNN, các tập đoàn.


Có 2 lý do chính để chúng ta buộc phải tái cơ cấu DNNN, trong đó có các tập đoàn kinh tế. Một là, vì chúng ta thấy rõ nhất yếu kém của cả nền kinh tế và khu vực DNNN, rõ nhất là DNNN tuy được giao quản lý, sử dụng một khối lượng nguồn lực to lớn của quốc gia nhưng hiệu quả hoạt động và đóng góp của khu vực DNNN cho nền kinh tế chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Hai là, vấn đề nhìn nhận vai trò tập đoàn trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, hiện còn chứa đựng khá nhiều tranh cãi. Nhưng nói gì thì nói, đa số ý kiến đều cho rằng, cách nhìn tập đoàn như một công cụ điều tiết vĩ mô là không ổn; chưa nói tới cái giá để làm việc đó.

 

Theo ông, trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, DNNN điều gì cần phải lưu tâm nhất?


Chúng ta phải bằng mọi giá tránh cái vết xe đổ là đánh đổi tăng trưởng bằng bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công, cần hiểu rằng, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là câu chuyện ngắn hạn, mà nó là tiền đề cho phân bổ hiệu quả nguồn lực - đó cũng là bản chất của tái cấu trúc kinh tế, trong đó có tập đoàn, DNNN.


Điểm nữa, đây là vấn đề rất tổng thể, đó là phải gắn tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu nền kinh tế với việc đổi mới tư duy phát triển và cải cách, phải có ý chí chính trị rất cao và phải có chương trình hành động, kế hoạch triển khai quyết liệt. Chỉ có như vậy, tái cấu trúc nền kinh tế, tập đoàn mới hiện thực hóa. Bởi vì, vấn đề này động chạm đến nhiều người, nhóm lợi ích, và nhiều nguồn lực.

 

Có ý kiến cho rằng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có DNNN đang diễn ra chậm chạp. Ông có đồng tình với quan điểm này?


Kể từ khi chúng ta khởi động tái cấu trúc lại nền kinh tế với 3 lĩnh vực, đã được một năm rưỡi rồi. Lẽ ra, đã chịu đau rồi thì cố làm cho kiên quyết. Trên thực tế khi triển khai vẫn còn tư tưởng"dề dà", có cảm giác rằng dường như vẫn thiếu những quyết định dứt khoát.


Lý do tổng thể về tái cấu trúc nền kinh tế, DNNN và tập đoàn, đã trao đổi ở trên. Xét khía cạnh kỹ thuật, tình hình kinh tế hiện tại là lý do, nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là lý do thứ hai. Sự chậm chạp của quá trình này còn do là vẫn đặt nặng ý định bảo toàn vốn. Trong thời buổi kinh tế thế này, giá trị cổ phiếu, cổ phần xuống thấp thế này mà bắt các tập đoàn kinh tế phải thoái vốn trên cơ sở bảo toàn vốn thì rất khó khả thi.


Đành rằng biết thua thiệt rồi, nhưng nếu những đồng vốn còn sót lại được chi tiêu có hiệu quả, thì ta vẫn có cơ hội để đi lên. Và những đồng vốn đó mang lại lợi ích dài hạn hơn cho tổng thể nền kinh tế, thay vì anh cứ để cho giá của nó có thể ngày càng xuống, và quan trọng hơn đồng vốn trở nên vô dụng. Câu chuyện ở đây vẫn là câu chuyện của tư duy.


Vừa rồi, có đoàn đi Indonesia để học về kinh nghiệm của họ trong chống khủng hoảng, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nền kinh tế vào cuối những năm 1990 và đầu 2000. Một bài học lớn nhất là tính quyết liệt, thời gian và tốc độ mới chính là những yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải là cái giá trị đồng vốn cố phải giữ. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó.


Xin cảm ơn ông!


T.Hường(thực hiện)

Bài cuối: Giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN