Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, dung tích các hồ thủy điện trên cả nước đang thiếu hụt so với quy chuẩn tích nước mùa cạn, thậm chí có nơi xuống mực nước chết. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 11/5/2023, có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.
Thêm vào đó, theo đánh giá của EVN, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và các tháng 5, 6, 7. Đơn cử như ngày nắng nóng 6/5 vừa qua, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới gần 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay.
EVN cũng đã có cảnh báo về tình hình nguy cấp về cung ứng điện năm 2023, trong đó có nêu trường hợp các tình huống cực đoan, những ngày nắng nóng kéo dài, mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện.
Chia sẻ tại tọa đàm “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả - Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 20/5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2023, Bộ Công Thương vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn từ nay đến 2025 với những biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa. Điều này nhằm đảm bảo cung ứng điện, đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đạt được các chỉ tiêu của Chính phủ đề ra là đạt được mức phát thải đỉnh vào năm 2030 và hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2021 (Hội nghị COP26).
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ liên tục rà soát, xây dựng kịp thời các quy định, quy chuẩn và tham mưu cho các cấp xây dựng và ban hành các cơ chế để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, một trong những công tác trọng tâm, ưu tiên trong giai đoạn ngắn hạn là việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, địa phương để quán triệt về tinh thần tiết kiệm điện, giảm cái lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính.
“Bộ đang phối hợp với các địa phương tương đối tốt thực hiện các hoạt động tuyên truyền về tiết kiệm điện thông qua các chương trình truyền thông, chiến dịch như Giờ Trái đất, truyền thông về tiết kiệm điện, tổ chức các cuộc thi về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng”, ông Vũ cho hay.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2022 Hà Nội có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc. Do đó, mùa nắng nóng 2023, vấn đề cân đối nguồn điện và sử dụng năng lượng ở Hà Nội rất phức tạp, đã đặt ra bài toán phải đầu tư phát triển nguồn điện để đảm bảo cấp điện cho phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và cho người dân.
Cùng với đó, Hà Nội cũng tăng cường, nâng cao tuyên truyền, vận động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7 - 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố; mục tiêu 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng. Còn đối với 75% các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và còn lại, Sở Công Thương sẽ có tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp để vận động thay đổi dần, chuyển đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các công nghệ mới đem lại sản phẩm tốt hơn và dùng năng lượng ít hơn trong tất cả các ngành liên quan đến công nghiệp.
“Trong các doanh nghiệp, chúng tôi chú trọng vào hệ thống quản lý năng lượng. Đến nay, trong hơn 193 doanh nghiệp trọng điểm mà Sở Công Thương kiểm tra thì cơ bản các doanh nghiệp đã biết xây dựng kế hoạch, đã có cán bộ quản lý năng lượng”, ông Thắng cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, để doanh nghiệp thay đổi thì không thể trong thời gian ngắn có thể yêu cầu họ thay đổi cả một cơ sở hoặc một quy trình công nghệ. Đây là một bài toán khó vì hiện nhiều doanh nghiệp vẫn dùng công nghệ tương đối lạc hậu.
“Điều này cần Nhà nước phải có xem xét, có cơ chế cùng đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi dần các công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng để tốt hơn”, ông Thắng cho hay.
Bà Lý Thị Phương Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Daikin Việt Nam cho biết, nhà máy Daikin khi thành lập tại Việt Nam cũng là một trong những nhà máy tiên tiến nhất của tập đoàn, sử dụng những công nghệ về tiết kiệm điện hàng đầu ứng dụng vào trong nhà máy. Hệ thống nhà máy Daikin đều sử dụng đèn Led, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo và vừa qua, doanh nghiệp đã đưa hòa vào lưới điện, một phần nào đó cũng giảm được khó khăn trong nắng nóng tại miền Bắc.
Cùng với việc tạo ra các sản phẩm điều hoà không khí ở mức tiết kiệm điện nhất, Daikin cũng có những giải pháp giúp cho người tiêu dùng vận hành tối ưu các hệ thống điều hòa của mình. Tại các tòa nhà thương mại, công ty có giải pháp dùng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho việc cắt định tải và đã thí điểm tại Việt Nam, dự kiến sẽ nhân rộng phổ biến hơn trong năm 2023.