'Giải cứu' ngân hàng yếu kém - bài toán không đơn giản

Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của ngành ngân hàng trong bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Do lo ngại các ngân hàng yếu kém, kinh doanh thua lỗ, có thể tác động tiêu cực tới quyền lợi, lòng tin của người gửi tiền nói riêng và tính ổn định của nền kinh tế, an ninh - trật tự xã hội nói chung, nên chính phủ các nước luôn phải nhanh chóng rót vốn cứu trợ hay mua lại một phần hoặc toàn bộ để vực dậy các ngân hàng này.

Chi nhánh của BMPS ở Rome ngày 9/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến không ít ngân hàng, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, và chính phủ các nước đã phải sở hữu một phần hoặc toàn bộ các thể chế tài chính này để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ dây chuyển, qua đó ảnh hưởng xấu tới toàn bộ nền kinh tế.

Khi chính phủ “ra tay”

Để cứu các ngân hàng yếu kém, giải pháp thứ nhất của chính phủ các nước là thực hiện tái cấp vốn (bơm tiền lấy từ ngân sách). Năm 2008, Mỹ đã rót nhiều tỷ USD để giúp các ngân hàng hàng đầu nước này, trong đó có Bank of America Corp, Wells Fargo, Citigroup, JP Morgan Chase & Co, Goldman Sachs, Morgan Stanley, ứng phó và vượt qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng tài chính lan rộng. Freddie Mac và Fannie Mae là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi Chính phủ Mỹ đã bất ngờ chi ra gần 190 tỷ USD để đoạt quyền kiểm soát của hai ngân hàng kinh doanh bất động sản lớn nhất thế giới này. Đây được coi là vụ can thiệp vào doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Mỹ, đánh dấu một bước tiến của các nhà chức trách trong việc hỗ trợ thị trường địa ốc, tài chính của nước này.

Trong khi đó, giải pháp thứ hai là chính phủ các nước mua lại một phần hoặc toàn bộ các ngân hàng kinh doanh thua lỗ lớn, có nguy cơ đổ vỡ. Chính phủ các nước mua tài sản các ngân hàng đã phá sản và sau đó lại bán đi. Trong cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu 2008. Chính phủ nước Anh đã tiến hành mua lại toàn bộ cổ phần của các ngân hàng Northern Rock, Bradford & Bingley..., với điều kiện là phải tư nhân hóa trong giai đoạn trung hạn sau đó. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh cũng thường xuyên tiến hành sát hạch để kiểm tra “sức khỏe” của các ngân hàng trong nước nhằm sớm có giải pháp ứng cứu kịp thời những ngân hàng yếu kém.

Hồi tháng 6/2017, theo tờ The New York Times, ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha (về giá trị tài sản) Santander đã "giải cứu" ngân hàng lớn thứ sáu của nước này là Banco Popular với giá mua lại tượng trưng chỉ một euro. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xác định rằng Banco Popular, với các khoản cho vay lớn cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể “mất trắng”, sẽ hoàn toàn “có nguy cơ sụp đổ”.

Đây là lần đầu tiên một ngân hàng đang gặp khó được "giải cứu" theo luật mới ở Tây Ban Nha - tức là không dùng ngân sách quốc gia để cứu trợ. Ý tưởng này đã xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu năm 2008 với việc cho rằng nhiệm vụ giải cứu các ngân hàng yếu kém nên là trách nhiệm của cổ đông và đối tượng nắm giữ trái phiếu chứ không phải là người dân.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), trong trường hợp của Banco Popular, việc bán ngân hàng "là phương án tốt nhất". Nợ xấu là gánh nặng của rất nhiều ngân hàng Tây Ban Nha, sau khi "bong bóng" bất động sản nước này bị vỡ. Giá cổ phiếu của Banco Popular đã sụt giảm mạnh khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng trả nợ của ngân hàng này.

Tới hiệu quả trong chiến lược kinh doanh

Trên thế giới, việc cứu trợ bằng cách rót vốn hay mua lại một phần hoặc toàn bộ ngân hàng hay doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, hệ thống tài chính hoặc xã hội. Chính phủ các nước thường mua lại một phần hoặc toàn bộ ngân hàng thương mại có nguy cơ bị phá sản khi giá cổ phần của chúng giảm mạnh rồi tiến hành tái cơ cấu, giúp chúng hoạt động tốt trở lại. Đến khi giá cổ phiếu của các ngân hàng này hồi phục, chính phủ các nước lại bán cổ phiếu đã mua và có thể thu lãi. Chẳng hạn như Chính phủ Mỹ cuối năm 2010 đã thu về hơn 10 tỷ USD tiền lãi từ việc bán 7,7 tỷ cổ phiếu nắm giữ của Citigroup.

Đáng chú ý là tổng giá trị thực của các ngân hàng yếu kém, làm ăn thua lỗ khi được mua lại toàn bộ thường sẽ là âm. Như vậy, dù chính phủ của các nước không phải bỏ tiền ra mua nhưng sẽ phải gánh nghĩa vụ trả nợ và đây thường là những khoản nợ không nhỏ.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến nhiều ngân hàng tại Mỹ ở trong tình trạng “quốc hữu hóa một nửa” là khi các ngân hàng nhận tiền cứu trợ của chính phủ hoặc buộc phải chuyển giao một phần cổ phần cho chính phủ. Theo giới phân tích quốc tế, quốc hữu hóa chủ yếu được coi là biện pháp khẩn cấp để giữ ổn định cho ngân hàng trong thời gian khó khăn. Biện pháp này bao gồm tiếp tục cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cơ cấu lại nợ xấu, đồng thời giúp các ngân hàng tránh được khả năng mất thanh khoản tạm thời.

Những ý kiến ủng hộ việc chính phủ mua lại một phần hoặc toàn bộ các ngân hàng yếu kém cho rằng nên áp dụng biện pháp này vì các giải pháp cứu trợ như rót vốn của chính phủ không giúp cải thiện rõ rệt “sức khỏe” ngân hàng, niềm tin công chúng hay mức tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân là do không ít ngân hàng nhận tiền cứu trợ của chính phủ đã sử dụng không đúng mục đích và không hiệu quả.

Tuy vậy, một số chuyên gia trên thế giới cho rằng việc chính phủ mua lại một phần hoặc toàn bộ các ngân hàng hoạt động yếu kém chỉ là biện pháp tạm thời do tính hiệu quả thu về chưa rõ ràng. Một ví dụ đáng chú ý là việc ngân hàng Royal Bank of Scotland hồi tháng 2/2017 thừa nhận rằng sẽ không thể kinh doanh có lãi cho đến năm 2018, đồng nghĩa với việc 10 năm hoạt động thua lỗ kể từ khi tiếp nhận cứu trợ của Chính phủ nước Anh. Năm 2016, Royal Bank of Scotland đã thua lỗ 6,96 tỷ bảng.

Theo các ý kiến chưa ủng hộ giải pháp quốc hữu hóa, vấn đề cốt lõi của các ngân hàng yếu kém là cho vay quá nhiều, nợ xấu quá cao nên quốc hữu hóa không giải quyết được những vấn đề này nếu chính phủ không gom tất cả tài sản xấu về và xóa khỏi sổ sách.

Tại Mỹ, rất ít ngân hàng được quốc hữu hóa hoàn toàn, mặc dù có nhiều trường hợp chính phủ quốc hữu hóa một ngân hàng yếu kém để bán tài sản hoặc thu hẹp hoạt động. Quốc hữu hóa thường gây giảm giá trị của ngân hàng do mất khách hàng, mặc dù tác động này nhỏ hơn nhiều nếu ngân hàng phá sản.

Anh Quân (Tổng hợp)
Ngừng bảo hộ ngân hàng yếu kém
Ngừng bảo hộ ngân hàng yếu kém

Trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành lần lượt gợi mở hướng đi xem xét thí điểm cho phá sản ngân hàng yếu kém.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN