Quan điểm đưa ra là Nhà nước không thể bảo hộ, bảo vệ những ngân hàng hoạt động yếu kém mãi được.
“Khơi trong” hệ thống ngân hàngTheo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, ý tưởng không tiếp tục bảo hộ những ngân hàng yếu kém là phù hợp, một mặt sẽ làm cho hệ thống ngân hàng thêm khỏe mạnh, mặt khác sẽ xử lý nợ xấu tốt hơn. Bởi hiện nay, vẫn còn rất nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém đang tồn tại.
Việc “khơi trong gạn đục” những tổ chức tín dụng yếu kém sẽ giúp quyền lợi người gửi tiền được tốt hơn. |
Theo báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD hiện dưới 3%, tuy nhiên nợ xấu phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu tại 19 TCTD yếu kém, chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Cũng theo báo cáo trên, lãi dự thu của hệ thống TCTD cao, tăng 17,2% so với cuối năm 2015, tập trung tại một số TCTD yếu kém (trong đó lãi dự thu của 9 TCTD chiếm 61,7% tổng lãi dự thu toàn hệ thống, điều này cũng gây tiềm ẩn nợ xấu).
Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín cho rằng, với 19 TCTD hiện có lượng nợ xấu tập trung lớn và 9 TCTD có quy mô lãi dự thu lớn thì thật sự đang gây nhiều bất ổn cho hệ thống các TCTD tại Việt Nam và cần có hướng xử lý mới hiệu quả hơn. Đây cũng là lí do giai đoạn 2016 - 2020, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính để cạnh tranh trên thị trường, nếu không sẽ phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại (M&A). Như vậy trong thời gian tới, ngân hàng nhỏ, yếu kém về năng lực tài chính, cũng như nợ xấu tăng, không chỉ không tránh khỏi việc sáp nhập, hợp nhất mà sẽ còn bị cho phá sản, thay vì được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng như trước đây.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, động thái này có nghĩa là đã đến lúc Nhà nước chấm dứt sự bảo hộ để đi vào giai đoạn mang tính chất kinh tế thị trường một cách thực chất, đó là bất cứ thành phần kinh tế yếu kém nào, kể cả ngân hàng, cũng sẽ bị loại khỏi “sân chơi”. Tất nhiên, phá sản như thế nào để không tạo thành hiệu ứng “domino”.
Bảo đảm quyền lợi người gửi tiềnTuy nhiên, việc thí điểm cho phá sản chưa thể thực hiện ngay mà đó chỉ là xu hướng sẽ thực hiện trong tương lai bởi tất cả cần phải dựa trên quyền lợi của người gửi tiền. Theo TS Bùi Quang Tín, với tập quán kinh tế Việt Nam và trong điều kiện hệ thống pháp luật về phá sản chưa hoàn thiện, việc “khai tử” một doanh nghiệp đã khó, giải thể một ngân hàng còn khó hơn thế nhiều lần. Theo quy định, một ngân hàng ra đời phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép sau quá trình thẩm định nghiêm ngặt. Và quá trình cho phá sản sẽ phải thận trọng không kém bởi còn liên quan tới quyền lợi của cổ đông, người gửi tiền... và đặc biệt là sự an toàn của cả hệ thống. Theo đó, để làm được điều này, cần chuẩn bị rất nhiều bước đi, như minh bạch hóa thông tin, tăng cường truyền thông, chuẩn bị quy trình pháp lý...
Theo đề xuất của TS Bùi Quang Tín, nên tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm, đây là một phần không thể thiếu trong tổng thể giải pháp chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, tạo tâm lý yên tâm, qua đó hạn chế tình trạng rút tiền hàng loạt khi có thông tin về ngân hàng phá sản trong thời gian tới. Có thể thấy, tại Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đã nâng hạn mức BHTG hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn. Trong số các quốc gia có hệ thống BHTG chính thức và công khai tại Đông Nam Á, chỉ có Lào và Việt Nam không tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần nâng mức chi trả BHTG lên ít nhất 200 triệu đồng/tài khoản thay vì 50 triệu đồng/tài khoản như hiện nay. Cùng với đó, cần có quy định về quỹ dự phòng bắt buộc các ngân hàng phải đóng góp vào, để khi tài sản của ngân hàng không đủ để trả tiền cho khách hàng thì Chính phủ có thể trích một phần từ quỹ này để xử lý khủng hoảng.
Thực tế cho thấy, các khoản nợ xấu được giấu thành nợ tốt để không trích lập dự phòng đã đành nhưng với các khoản nợ xấu không thể che giấu thì các ngân hàng vẫn tìm mọi cách để trích lập dự phòng thấp hơn quy định. Việc không minh bạch trong trích lập dự phòng từ các khoản nợ xấu sẽ làm cho tình hình tài chính của các ngân hàng yếu kém càng trở nên phức tạp và sẽ làm cản trở quá trình thanh lọc các ngân hàng này ra khỏi hệ thống thông qua con đường phá sản thời gian tới, từ đó ảnh hưởng xấu đến việc phân chia tài sản cho người gửi tiền theo quy định.
“Do đó, việc sớm điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam không những bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, tăng niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng mà còn khuyến khích người dân gửi tiền nhàn rỗi, giúp các ngân hàng huy động được tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển và hạn chế tình trạng tín dụng đen”, TS Tín nhấn mạnh.