Tác động của Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ

Giá vàng tăng vùn vụt, USD lên kịch trần

Ngày 13/8, thị trường vàng, USD đã có nhiều “dậy sóng”. Có thời điểm, giá vàng sát mốc 35 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với ngày 12/8; còn giá USD niêm yết tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã ở mức kịch trần theo biên độ mới 22.106 đồng/USD. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 14/8, TS, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Giá vàng tăng là hiện tượng bình thường khi USD biến động. Vàng và USD vẫn được xem là tài sản giá trị và an toàn. Vài ngày qua cũng có một bộ phận nhỏ nhà đầu tư tranh thủ mua vào để bán hưởng lợi.

Giao dịch không đột biến

Tại thị trường miền Bắc đầu giờ sáng 13/8, giá vàng SJC Hà Nội giao dịch ở mức 33,6- 34,2 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), tăng 230.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 280.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 12/8. Còn tại TP Hồ Chí Minh vào thời điểm trên, giá vàng SJC niêm yết ở mức 33,6- 34,00 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra)), và tăng 230.000 đồng/lượng mua vào và tăng 280.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên 12/8.

Giá vàng biến động mạnh nhưng giao dịch không sôi động.


Tới trưa cùng ngày, vàng SJC được niêm yết ở mức 34,1- 34,8 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với đầu giờ sáng 13/8. Tuy nhiên tới đầu giờ chiều, giá bán vàng được một số doanh nghiệp điều chỉnh về mức 34,45 triệu đồng một lượng. Chốt phiên, giá vàng lại tiếp tục nhích, giao dịch ở mức 34,1- 34,8 triệu đồng/lượng.

Ông Trần Nhật Nam, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Bảo Tín- Minh Châu cho biết: Do giá vàng đang liên tục được điều chỉnh nên người dân và nhà đầu tư chủ yếu đang “nghe ngóng”. Lượng khách đến mua chậm hơn so với bình thường, không có cảnh người dân đổ xô đi mua hay bán vàng như trước đây.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, lượng khách mua vào chiếm 30%, còn 70% là khách bán ra. Khách chủ yếu đến xem vàng trang sức. Tại cửa hàng vàng Doji (phố Trần Nhân Tông- Hà Nội), lượng khách đến giao dịch rất lèo tèo.

Chia sẻ với phóng viên, một số người tới mua vàng cho biết: Trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ nhiều biến động thì đầu tư vàng là hợp lý. Chị Vũ Thùy Dương (chuyên viên tại Ngân hàng Quân đội) vừa mua 2 lượng vàng tại Cửa hàng Bảo Tín- Minh Châu nói: “Vàng là một kênh đầu tư rất hay nhưng nếu giá vẫn tăng chóng mặt thì không nên nhập cuộc nữa”. Còn anh Nguyễn Đăng Phúc (một trọng tài môn khiêu vũ thể thao tại Hà Nội) cho biết, lo ngại biến động của giá vàng, giá USD nên anh đã quyết định mua vàng để dự trữ. Tuy nhiên, anh Phúc cũng tỏ ra lo ngại đây chỉ là sự tăng ảo nên có thể tiềm ẩn rủi ro.

“Giá vàng trong nước tăng một phần do tác động từ thị trường thế giới, phần khác quan trọng hơn là bởi tác động từ quyết định nới biên độ dao động tỷ giá lên gấp đôi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ sáng 12/8. Tuy nhiên, cả một thời gian dài, giá vàng đã bắt đáy, giảm tới 40% nên việc tăng mốc 35 triệu đồng cũng là hiện tượng bình thường”, TS Minh Phong phân tích .

Thị trường ngoại hối Việt Nam đã lên “cơn sốt” vào chiều 13/8 sau động thái Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ lần thứ ba liên tiếp. Tại hệ thống Ngân hàng Vietcombank, giá bán USD đứng ở nức 22.105 đồng/USD, tăng 15 đồng/USD so với phiên sáng cùng ngày. Một số ngân hàng khác bán USD ở mức trên 22.100 đồng/USD; mua vào ở mức 22.000- 22.035 đồng/USD. Trong khi đó, tại Techcombank, giá bán USD đã chạm trần 22.106 đồng/USD, tăng 6 đồng so phiên sáng cùng ngày và tăng 266 đồng so với ngày 12/8. Còn tại thị trường tự do, giá bán USD vượt trần, với mức 22.300 đồng/USD.

Đại diện Ngân hàng Eximbank cho biết: Trên thị trường liên ngân hàng cũng như giao dịch mua bán tại hệ thống Eximbank đều diễn ra bình thường. Doanh số giao dịch không có gì đột biến. Việc tỷ giá tăng lên kịch trần hiện nay có thể do yếu tố tâm lý là chủ yếu.

“Đối với thị trường vàng, không có tình trạng người dân xếp hàng để mua như trước đây. Mặc dù giá USD tăng kịch trần nhưng cũng chưa thấy có hiện tượng nhiều người dân rút tiền ở ngân hàng ra mua USD “chợ đen”, TS Hiếu nói. Theo ông Hiếu, nhờ vào chính sách quản lý thị trường vàng thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong vài năm qua nên sức cầu vàng không “sốt” mạnh. Hiện, một số người dân, giới đầu cơ có thể mua vào để bán ra kiếm lời hay tích trữ nhưng lực cầu không đủ mạnh để tạo thành cơn sốt như trước đây.

Diễn biến khó lường nhưng không quá gây áp lực

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới, diễn biến thị trường ngoại hối và vàng còn nhiều phức tạp. “Cơn sóng thần” tiền tệ từ việc Trung Quốc liên tiếp phá giá cũng sẽ tác động tới nhiều ngành hàng, tạo phản ứng dây chuyền. Hiện tại đối với thị trường Việt Nam, sau khi nới rộng biên độ tỷ giá lên 2%, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chứ chưa can thiệp tiếp vì muốn giữ ổn định. Tuy nhiên, có thể trong vài tháng nữa, việc điều chỉnh tỷ giá, phá giá VND là điều có thể xảy ra. Nhưng khi thị trường hối đoái thế giới ổn định, lắng dịu, giá vàng sẽ trở về vị trí cũ và sẽ hạ nhiệt hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank lại cho rằng: Áp lực tỷ giá từ nay tới cuối năm cũng sẽ như diễn biến các năm trước và có thể không đáng lo ngại sau việc điều chỉnh của NHNN. “Cuối năm là thời điểm cả cung và cầu ngoại tệ đều tăng mạnh. Cung từ các kênh xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư. Cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, thanh toán của các doanh nghiệp. Với định hướng tỷ giá mục tiêu 2% và biên độ tỷ giá được nới rộng như hiện tại, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả. Thực tế, ngân hàng vẫn mua ròng từ đầu năm đến nay, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng”, đại diện Vietcombank nói.

M.Phương-Nam Hoàng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN