Giá tiêu dùng tăng do giá dịch vụ y tế và giáo dục

Theo quy luật tiêu dùng CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm, tuy nhiên giá tiêu dùng tháng 3 năm nay tăng do Chính phủ chủ động điều chỉnh giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2017 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 4,65% so cùng kỳ năm trước và tăng 0,9% so với tháng 12 năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng. Cụ thể: thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 7,51%; giáo dục tăng 0,75%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; giao thông tăng 0,39%, các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,03-0,06%. Có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm, đó là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,87%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,02%.

Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh thăm khám cho trẻ. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo đó, CPI quý I tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tháng 1 tăng 5,22%, tháng 2 tăng 5,02%, tháng 3 tăng 4,65%. Như vậy, CPI so với cùng kỳ đang giảm dần.

Lạm phát cơ bản tháng 3 năm 2017 ổn định so với tháng trước, tăng 1,6% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,66%.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), với mục tiêu kiểm soát giá tiêu dùng bình quân 4% của năm 2017 thì còn nhiều sức ép, nhất là sức ép trong điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, năm 2016 mới điều chỉnh được 36 tỉnh, còn 27 tỉnh phải tiếp tục điều chỉnh theo mức 2 của Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC với đối tượng có bảo hiểm y tế. Trong quý I năm nay, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp để điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho 13 tỉnh, các tỉnh còn lại sẽ điều chỉnh trong thời gian tiếp theo. Những đối tượng không có bảo hiểm y tế cũng sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.


Theo Tổng cục Thống kê, để kiểm soát CPI bình quân dưới 4%, Bộ Công thương cần theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón... để cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý.

Việc điều chỉnh giá các mặt hàng này cần tách ra các đợt và điều chỉnh trùng hoặc sau các tháng của năm trước đã điều chỉnh để số liệu so cùng kỳ không tăng cao. Nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng để hạn chế lạm phát kỳ vọng.

Xuân Phong/Báo Tin Tức (Báo Tin Tức)
Tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,23%
Tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,23%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng nay 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2017 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 5,02% so với cùng kỳ năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN