Điều này kéo theo sự tăng trưởng vượt bậc các hình thức bán lẻ và tiêu dùng số ở Việt Nam. Chính yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội và sự chuyển đổi sang mô hình làm việc tại nhà của đa số người dân đã tạo nên những những thay đổi nhanh chóng và đáng kể trong lĩnh vực thương mại. Nghiên cứu này của Visa cũng kèm theo các dự đoán về tương lai của ngành bán lẻ trước những tác động và ảnh hưởng to lớn của đại dịch.
Theo nghiên cứu của Visa, quá trình chuyển dịch từ cửa hàng sang các nền tảng thương mại điện tử đang diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng vừa qua, đã tạo lợi thế cho các dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ này và 82% người dân trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Cứ 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng tỏ ra hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến thường xuyên hơn khiến họ nhận ra sự an toàn và đơn giản của các hình thức này. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử”.
Ranh giới giữa thương mại truyền thống và thương mại kỹ thuật số đang mờ dần khi người tiêu dùng ngày nay tìm kiếm những trải nghiệm kết hợp cả hai loại hình thương mại. Thậm chí, họ mong muốn tích hợp các phương tiện truyền thông mạng xã hội và các dịch vụ kỹ thuật số tiên tiến ngay tại cửa hàng bán hàng trực tiếp. Hiện có tới 77% người tiêu dùng Việt Nam hiện đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, mức độ nhận biết và đón nhận loại hình thương mại này được ghi nhận đông đảo nhất ở nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18-23. Đây cũng là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội nên dễ dàng nắm bắt được tính năng thương mại trên các nền tảng này.
Trước xu hướng đó, các nhà bán lẻ hiện nay cũng đang tăng cường quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Trong năm 2020, 41% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào thương mại trên mạng xã hội nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nền tảng truyền thông mạng xã hội vừa là công cụ nổi bật khi nhắc đến kỹ thuật số, vừa là nơi lý tưởng để các thương hiệu và người bán thu hút lượng lớn khán giả thông qua sự cá nhân hóa. Các nhà bán lẻ không chỉ tìm được khách hàng tiềm năng nhờ quảng cáo nhắm vào đối tượng cụ thể, mà còn có thể tiếp cận khách hàng và mang đến những chương trình ưu đãi riêng phù hợp với nhu cầu từng cá nhân.
Theo bà Tuyết Dung, thông qua việc xây dựng một hệ sinh thái thanh toán số đáng tin cậy với độ bảo mật cao, Visa đã không ngừng cải tiến những giải pháp thanh toán mới, nhằm mang đến trải nghiệm trong quá trình mua sắm trên nền tảng số của người tiêu dùng. Sự cải tiến này hỗ trợ người bán phát triển các dịch vụ và khuyến khích người tiêu dùng hình thành các thói quen kỹ thuật số mới.
Để giúp doanh nghiệp có được những khởi đầu thành công trên hành trình số hóa, Visa hiện đang cung cấp nhiều hỗ trợ đa dạng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh công cụ hữu ích như: giải pháp báo cáo chi tiêu giúp tiết kiệm đáng kể thời gian quản lý chi phí cho doanh nghiệp, Visa cũng chia sẻ kiến thức chuyên môn đến với các chủ doanh nghiệp thông qua Chương trình kỹ năng kinh doanh thực tiễn và chuỗi sự kiện đào tạo Retail University hợp tác tổ chức với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Đồng thời, huy động mạng lưới đối tác rộng lớn nhằm thu hút nhiều người tiêu dùng hơn đến với các nền tảng kỹ thuật số.