Sau một thời gian dài mủ cao su rớt giá dưới 200 đồng/độ (đơn vị xác định hàm lượng mủ), nhiều hộ đã tính đến chuyện chặt phá cây cao su để trồng cây khác. Tuy nhiên, đầu vụ năm nay, giá cao su bắt đầu tăng trở lại đang mang niềm vui cho người trồng cao su yên tâm sản xuất.
Theo nhiều hộ nông dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giá thu mua mủ nước vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 khoảng 382-385 đồng/độ. Năm nay giá thu mua mủ nước cao hơn 50 đồng/độ so với mặt bằng chung năm ngoái. Còn mủ chén (mủ đặc) giá thu mua hiện nay 17.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với năm trước.
Gia đình anh Lê Văn Hòa ở xã Đức Hạnh, huyện biên giới Bù Gia Mập, hơn 3 năm qua không mặn mà với cây được xem là “vàng trắng” ở vùng miền Đông đất đỏ. Giá cả “lao dốc” khiến gia đình thất thu, thu không đủ bù chi. Theo anh Hòa, giá cả cao su xuống thấp khiến chi tiêu và tái đầu tư của gia đình trong những năm qua gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, trong năm 2019, gia đình anh đã thanh lý hàng nghìn cây cao su để trồng cây điều và trồng ít cây cao su mới. Hiện nay, diện tích cây cao su còn lại của gia đình hơn 2 ha đang trong thời kỳ cạo mủ.
“Mấy năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp kỷ lục đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, đầu mùa năm nay, giá mua đã nhích lên và cao nhất từ khi rớt giá nên gia đình phấn khởi hơn khi vào vụ. Chỉ mong giá không xuống nữa, trên 300 đồng/độ là người trồng có lãi, đồng thời có vốn để tái đầu tư chăm sóc cho cây phát triển tốt hơn”, anh Hòa vui mừng nói.
Cũng ở huyện biên giới Bù Gia Mập, anh Điểu Vinh ở xã Phú Nghĩa, khi mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, vào đầu tháng 5, gia đình đã vào vườn để thổi lá, kiềng máng chê tô và cạo những dao đầu. Anh Vinh cho biết, với diện tích cao su hơn 1 ha nếu giá cứ ổn định như bây giờ thì chi tiêu trong gia đình không phải lo lắng nhiều như trước. Hiện nay, dù mới bắt đầu lấy mủ nước, tuy nhiên trước đó gia đình đã lấy mủ chén bán với giá khoảng 17.000 đồng/kg cao hơn năm trước.
Anh Vinh cho biết: “Nhà tôi thu nhập trong những năm qua toàn nhờ vào cây cao su và cây điều. Giá cả cây trồng những năm qua bấp bênh nên cuộc sống sinh hoạt trong gia đình gặp khó khăn. Đầu năm nay, giá cao su cao hơn nên cũng vui. Nếu giá cứ ổn định nhưng thế này thì người dân trồng cao su sẽ không lo lắng thiếu hụt như trước nữa; không nghĩ đến chuyện sẽ thanh lý cây cao su để trồng cây khác nữa”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, mấy năm qua, giá mủ cao su rớt giá thấp nên người dân lơ là, ít chăm sóc vườn cây dẫn đến suy yếu. Tuy nhiên, đầu mùa năm nay, giá mủ cao su có tăng trở lại cao hơn so với mấy năm trước đây.
“Trước tín hiệu mừng giá thu mua dần nhích lên, nông dân trồng cao su cần chăm sóc đúng theo chu kỳ. Về mùa mưa, người dân phải bón phân từ 2 đến 3 lần trong năm, thường xuyên thăm vườn, kiểm soát trừ bệnh như phấn trắng, nấm hồng… để cây cho năng suất, sản lượng tốt. Người dân khai thác phải theo đúng kỹ thuật, không ép mủ bằng cách dùng các chất kích thích để đảm bảo tuổi thọ cây được lâu dài”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo.
Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất nước, với hơn 230.000 ha; trong đó hơn 60% diện tích thuộc các công ty nhà nước, còn lại hộ cá thể. Hiện nay, giá thu mua mủ cao su đã nhích lên như một luồng gió mới thổi đến người dân trồng cây “vàng trắng” yên tâm lao động, sản xuất hơn. Theo nhiều hộ gia đình, nếu giá giữ ổn như hiện nay sẽ có nguồn thu nhập cao, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.