Theo ghi nhận tại huyện Lộc Ninh, so với hồi cuối năm 2016 sau thời gian dài giá mủ cao su “lao dốc” khiến hàng vạn hộ dân trồng cao su rơi vào hoàn cảnh bi đát. Nhiều nhà vườn nản lòng, có hộ chặt bỏ vườn cao su chuyển sang trồng hồ tiêu và xây điều; có hộ bỏ phế không chăm sóc vườn cây.
Nông dân Bình Phước chăm sóc cây cao su. Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Đến cuối năm 2016, nhà nông trồng cao su đón tin vụi khi giá mủ cao su bật tăng trở lại, thị trường bắt đầu ấm dần lên, đã kích thích nông dân quay trở lại chăm sóc vườn cây với hy vọng khai thác mùa thu hoạch vụ mùa mới năm 2017.
Hộ nông dân Phan Thị Bảy có trên 15 ha cao su ở xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh thở dài cho biết, sau thời gian dài mất giá nông dân trồng cao su đã quá khổ sở, nằm chờ giá tăng trở lại để cạo mủ kiếm sống.
Tin vui đã đến từ vụ mùa mới 2017 khi giá mủ đã nhích lên hồi cuối năm ngoái với trên 320 - 340 đồng/độ. Nào ngờ khi bước vào đợt khai thác vụ mới hồi tháng 5/2017 đến nay, giá cao su lại rớt giá và được các đại lý thu mua chỉ còn 250 - 260 đồng/độ.
Bà Bảy cho biết: “Lúc giá cao su ấm dần lên có người đến hỏi mua vườn cao su với giá cao nhưng tôi tiếc rẻ vì mủ cao su đang được giá nên không bán, nay bất ngờ giá mủ giảm mạnh quay về như các năm trước khiến thị trường mua bán đất vườn cao su rơi vào trầm lắng trở lại”.
Theo ghi nhận hiện nay, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV cao su Lộc Ninh đang tổ chức thu mua mủ cao su tiểu điền (tư nhân) tại Nhà máy chế biến mủ Lộc Hiệp với giá 265 đồng/độ, còn tại khu vực Đồn biên phòng Tà Nốt là 260 đồng/độ. So với tháng 6 giá mủ đầu tháng 7/2017 vẫn còn có xu hướng giảm với xấp xỉ 50 đồng/độ.
Trong khi đó, lợi dụng đợt tăng giá hồi cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, các loại vật tư nông nghiệp, công lao động thu hoạch mủ lại tăng 15 - 20% so với mùa vụ năm 2016. Cao điểm, giá chén dùng để hứng mủ cao su thiên nhiên tăng đến 300 - 400%.
Cụ thể, năm trước giá chén chỉ 1.600-2.000 đồng/cái, nhưng mùa vụ năm nay tăng lên 4.000 - 5.000 đồng/cái, nhất là từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 khi vụ mùa khai thác mủ bắt đầu đã kéo theo giá tăng lên đến 6.000 - 7.500 đồng/cái. Giá chén tăng đột biến theo các tư thương chuyên mua bán về vật tư nông nghiệp chuyển sang thị trường Lào và Campuchia cũng đang bước vào vụ khai thác mủ nên cần lượng chén rất lớn từ Việt Nam.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước tổng diện tích trồng cao su của Bình Phước đến 2020 theo quy hoạch sẽ đạt 250.000 ha; trong đó tính đến kế hoạch năm 2017 đã là hơn 236.000 ha. Bình Phước trở thành “thủ phủ” trồng cao su lớn nhất nước.
Còn theo Cục thuế tỉnh Bình Phước, hiện nay thu ngân sách của tỉnh vẫn đang lệ thuộc phần lớn từ lĩnh vực nông- lâm nghiệp; trong đó đóng góp từ lĩnh vực cao su mỗi năm với hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây thu thuế từ khai thác mủ cao su đã bị ảnh hưởng rất lớn, hụt thu xấp xỉ khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, do giá mủ cao su liên tục rớt giá trong những năm vừa qua.