Theo dự báo mới nhất của các chuyên gia thương mại, tháng 8/2014, nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm đang trong giai đoạn thấp nên giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt, rau xanh có thể tiếp tục tăng, nhất là thời tiết đang trong mùa mưa bão và nhu cầu tiêu dùng cao hơn trong dịp rằm tháng 7 âm lịch.
Giá một số loại thực phẩm tươi sống có thể tăng nhẹ. Ảnh minh họa: LP |
Đối với mặt hàng rau củ quả trong tháng 7/2014, các chuyên gia thương mại đánh giá rằng: Thời tiết thuận lợi, nhiều loại rau củ quả đang vào vụ chính nên nguồn cung dồi dào, giá bán nhìn chung ổn định so với tháng trước. Riêng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn…), do ảnh hưởng của mưa bão gây ngập úng, sụt lở đất nên giá các loại thực phẩm tươi sống (rau củ quả, thực phẩm tươi sống và một số mặt hàng khô thiết yếu) đã tăng cục bộ trong thời gian ngắn, mức tăng phổ biến 10- 20%. Tuy nhiên, do thời gian ngập úng không kéo dài nên hàng hóa cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại thị trường, giá các sản phẩm đã trở lại mức bình thường.
Báo cáo mới nhất của Tổ điều hành thị trường trong nước mới đây cho hay: Trong tháng 7, thị trường thực phẩm tươi sống biến động trái chiều giữa các vùng miền và theo mặt hàng. Cụ thể: Tháng 7, giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng nhẹ ở miền Bắc nhưng lại giảm nhẹ tại miền Nam so với tháng 6. Do vậy, chênh lệch giá lợn hơi giữa 2 miền Bắc Nam đã được thu hẹp; đồng thời do tác động từ việc điều chỉnh giá xăng khiến chi phí vận chuyển tăng nên tần suất vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam đã chững lại. So với cùng kỳ năm trước, gía lợn hơi ở phía Bắc hiện cao hơn từ 10- 12%, phía Nam từ 29- 32%.
Tháng 7/2014, giá thịt bò, thủy hải sản có xu hướng tiếp tục ổn định so với tháng trước. Giá gà lông màu và giá trứng gia cầm tăng do nhu cầu tiêu thụ làm bánh Trung thu. Nguồn cung gà lông màu giảm do chưa tái đàn kịp, người chăn nuôi giữ gà lại chờ bán trong dịp Rằm tháng 7 để hy vọng bán được giá cao hơn. Trong khi đó, giá gà công nghiệp lại giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng giảm.
Nhu cầu tiêu dùng sẽ cao hơn trong dịp rằm tháng 7 âm lịch. Ảnh: LP |
Hiện thịt bò loại I phổ biến từ 240.000- 260.000 đồng/kg; thịt gà ta từ 110.000- 120.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với trước); thịt gà công nghiệp làm sẵn từ 55.000- 60.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg). Giá trứng gà công nghiệp phổ biến 22.000- 25.000 đồng/chục, trứng vịt từ 30.000- 33.000 đồng/chục, tăng 2.000- 3.000 đồng/chục.
Theo Bộ Công thương, trong tháng 7/2014, thời tiết trong mùa mưa bão nên đời sống, sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương đã bị ảnh hưởng. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã có xu hướng tăng nhẹ, tiêu thụ tốt hơn do nguồn cung đang trong giai đoạn thấp điểm (theo chu kỳ sản xuất). Một số tỉnh phía Bắc, do chịu ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng, địa bàn bị chia cắt nên giá một số loại thực phẩm có hiện tượng tăng cục bộ, mức tăng từ 10- 20%. Đối với các mặt hàng nhiên liệu như xăng dầu có sự điều chỉnh theo biến động giá thế giới. Đa phần các mặt hàng khác như phân bón, đường, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi… giá tương đối ổn định.
Sau 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,62% so với tháng 12/2013, tiếp tục là mức tăng thấp trong nhiều năm trở lại đây. Trong cơ cấu CPI 7 tháng, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 3,2%) do ảnh hưởng của giá xăng dầu và việc siết chặt quản lý trọng tải xe; tiếp đến là nhóm đồ uống thuốc lá tăng 2,56%, mức tăng của các mặt hàng này tập trung vào các dịp lễ Tết. Các nhóm còn lại tăng từ 0,16%- 2,21%, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,36%. Tuy nhiên, các mặt hàng khác nhìn chung không có biến động lớn, dự báo CPI tháng 8/2014 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 7/2014.
Minh Phương