Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá lợn hơi được thương lái mua tại chuồng vào ngày 8/10 giao động từ 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Ông Đoán cho rằng sở dĩ giá lợn cao như hiện nay là do thiếu hụt nguồn cung, lợn từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không còn. “Chỉ một số ít trang trại áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, khống chế được dịch và cầm cự đến hôm nay mới có lợn xuất bán”, ông Đoán cho biết.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh đã tiêu hủy 412.000 con lợn vì nhiễm dịch tả châu Phi. Dịch xảy ra ở 131 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố.
Từ khi xuất hiện dịch (tháng 5/2019) đến nay, đã có 14 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi; trong đó có 5 xã tái phát dịch.
Theo thống kê, tổng đàn lợn của Đồng Nai trước thời điểm xảy ra dịch tả châu Phi là 2,5 triệu con (lớn nhất cả nước). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tổng đàn lợn của Đồng Nai giảm xuống chỉ còn dưới 1,5 triệu con.
Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai lo ngại từ nay đến cuối năm 2019 nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt. Đặc biệt, đối với đàn lợn nái, sau khi dịch xuất hiện đã khiến tổng đàn nái giảm mạnh.
“Không còn đàn nái đồng nghĩa với không thể tái đàn, không thể sản xuất, như vậy nguồn cung thịt lợn chắc chắn sẽ khan hiếm”, ông Nguyễn Kim Đoán lo lắng.
Trong khi đó, những hộ chăn nuôi lợn tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, mặc dù thời điểm này giá lợn đang ở mức rất cao, nhưng người dân không dám tái đàn. Lý do là các ổ dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục bao vây tại nhiều địa bàn. Một số hộ dân thử nghiệm cho đàn nái sinh sản, nhưng sau một thời gian, lợn vẫn tiếp tục mắc bệnh và chết dần.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, hiện nay người chăn nuôi không nên mạo hiểm tái đàn mà tiếp tục chờ tình hình dịch bệnh.
Đối với những trang trại vẫn quyết tâm tái đàn thì phải đảm bảo áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chuồng trại khép kín, có khả năng chống côn trùng xâm nhập; trang trại phải biệt lập, cách xa khu dân cư.