Giá lợn hơi biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã làm xáo trộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế xã hội, sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi.

Chú thích ảnh
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực trang trại chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hường, thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) trước đây thường nuôi từ 50 đầu lợn trở lên, trong đó có 5-7 con là lợn nái. Sau khi lợn thịt xuất chuồng là có lứa lợn con gối vụ, không phải mua lợn giống. Mỗi đợt xuất bán từ 3-4 tấn lợn hơi, gia đình bà thu về cả trăm triệu đồng.  

Nhưng từ năm 2020 đến nay, khi dịch COVID-19 lan rộng, gia đình bà đã phải đóng cửa chuồng, dừng chăn nuôi. Một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng mặt khác là do giá lợn hơi giảm mạnh.

Còn tỉnh Bắc Giang trước đây tiêu thụ khoảng 9.000 đầu lợn/tuần nhưng hiện nay lượng tiêu thụ giảm chỉ còn một nửa. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều vùng bị giãn cách nên việc vận chuyển khó khăn. Thêm vào đó, do giãn cách xã hội, các sự kiện như đám cưới, đám hỏi, lễ hội... bị hoãn, huỷ nên nhu cầu thịt lợn phục vụ cho các sự kiện này cũng giảm. Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện các đám cưới, lễ hội sử dụng nhiều thực phẩm... trên địa bàn tỉnh đã bị cấm, không tập trung đông người nên tiêu thụ thực phẩm giảm mạnh. 

Theo các chuyên gia, giá lợn hơi chưa có dấu hiệu đi lên, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài trong thời gian tới. Ở các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơn giao dịch ổn định với giá trên 70.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2021, giá lợn hơi giảm do nguồn cung trong nước được đảm bảo, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi, trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp do tác động của dịch COVID-19. Hiện, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống dưới mức 70.000 đồng/kg.

Thực tế, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm ngay trong quý I/2021. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên vào cuối tháng 3/2021 giảm 3.000-4.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam giảm 2.000-3.000 đồng/kg.

Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi không có nhiều biến động, do dịch tả lợn châu Phi đang được khống chế tốt, đàn lợn ở các trang trại lớn tăng nhanh, nguồn cung các loại thịt gà, thịt bò, cá, tôm và thịt nhập khẩu về nhiều.

Còn theo Tổng cục Hải quan, quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu 169.290 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 337,18 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong đó, riêng mặt hàng thịt lợn, quý I/2021 Việt Nam nhập khẩu 34.650 tấn, trị giá 80,07 triệu USD, tăng 101,4% về lượng và tăng 102,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong quý I/2021 với 16.550 tấn, trị giá 44,85 triệu USD, tăng tới 1.116,5% về lượng và tăng 1.002,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với mức giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt.

"Do giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng quá cao, từ 20-30%, nhiều nông hộ sợ rủi ro, nên có tâm lý bán sớm. Trong khi đó, tác động của dịch COVID-19 khiến hàng quán, nhiều khu công nghiệp đóng cửa, vận chuyển khó khăn hơn, khiến giá lợn hơi giảm. Với đối tượng chăn nuôi nông hộ phải mua con giống với giá cao, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng, thì nguy cơ thua lỗ là hiện hữu", ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, có một nghịch lý là giá thịt lợn ở các chợ nói riêng và giá thịt đến tay người tiêu dùng nói chung lại không giảm, bình quân vẫn ở mức 120.000-130.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn ra thị trường, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa 3 khâu sản xuất, cung ứng, tiêu dùng. Trong khi, người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ, thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn giá cao.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Nhận định về giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới, nhưng không tăng quá cao, bởi nếu vượt sức chịu đựng của nông hộ, người chăn nuôi dè dặt tái đàn, thì doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng không có lợi.

Nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả leo thang, trong nước không có nguồn nguyên liệu thay thế sẽ dẫn đến việc sản xuất đình trệ, giá thành sản phẩm cao. Từ đó sẽ dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông tiêu thụ trong nước, trong khi dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chú thích ảnh
V.T/Báo Tin tức
Bến Tre khuyến cáo người chăn nuôi lợn không tái đàn ồ ạt
Bến Tre khuyến cáo người chăn nuôi lợn không tái đàn ồ ạt

Ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bến Tre, Chi cục đã thông tin hướng dẫn tái đàn lợn sau khi hết dịch tả lợn châu Phi đến các hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có nhu cầu nhập lợn vào tỉnh để chăn nuôi. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN