Hiện tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội trên địa bàn huyện Cầu Kè (diễn ra từ 25 - 31/8/2024). Việc tổ chức Festival dừa sáp nhằm tôn vinh những giá trị đặc sắc của dừa sáp Trà Vinh và quảng bá đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới. Lễ hội sẽ có cuộc thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; tổ chức hội thảo về thực trạng và tiềm năng dừa sáp bản địa, hoạt động trưng bày trái cây ngon, tọa đàm du lịch Cầu Kè - tiềm năng ven sông Hậu, hội chợ thương mại cùng các hoạt động thể thao…
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có diện tích dừa đứng thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long (sau Bến Tre), với gần 27.400 ha, sản lượng hằng năm khoảng 444 triệu quả; trong đó, có khoảng gần 1.200 ha dừa sáp, tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè.
Ông Thạch Phol, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình ông có 1,5 ha dừa sáp được trồng từ năm 2017. Với diện tích trồng dừa sáp này, gia đình ông thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu đồng từ trái dừa sáp và khoảng 140 triệu đồng từ trái dừa khô không sáp. Theo ông Thạch Phol, mức thu nhập từ vườn dừa của gia đình mỗi năm là chỉ tính giá bình quân 90.000 đồng/trái dừa sáp và 90.000 đồng/chục trái dừa khô (12 trái/chục). Riêng vào mùa lễ hội Vu lan hàng năm trên địa bàn huyện, giá dừa sáp luôn tăng cao, gia đình ông tăng nguồn thu thêm khoảng 40 triệu đồng.
Ông Thạch Em, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình có 2 ha dừa sáp được trồng theo quy trình VietGAP chỉ 4 năm cây cho trái. Nhờ được ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là thực hiện phương pháp thụ phấn trợ lực, dừa sáp cho tỷ lệ trái sáp tăng nhiều so với cách trồng truyền thống trước đây. Trung bình dừa sáp trồng theo cách truyền thống chỉ cho trái sáp từ 2 - 3 trái/ buồng, nhưng với ứng dụng khoa học kỹ thuật cây dừa cho trái từ 5 – 7 trái/ buồng. Khi cây dừa sáp ở giai đoạn từ 7 tuổi trở lên, bình quân một năm cho khoảng 120 - 150 trái. Với tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 30 - 40%, thì mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/ năm.
Hiện trên địa bàn tỉnh có các cơ sở, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm đặc sản từ dừa sáp, như: mứt dừa sáp Cẩm của cơ sở Nguyễn Thị Cẩm; sản phẩm dừa sáp sợi VICOSAP; dừa sáp Bảo Châu; kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp cacao của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè… Với các sản phẩm đặc sản chế biến cùng với nhu cầu người tiêu dùng tự chế biến như sinh tố dừa sáp, kem dừa sáp,… nên nguồn cung thường không đủ cầu và giá dừa sáp luôn ổn định ở mức từ 90.000 – 110.000 đồng/trái (tùy loại).
Theo ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, toàn huyện hiện có hơn 46.000 cây dừa sáp, với diện tích hơn 1.140 ha; trong số này, có gần 40.000 cây đang cho trái. Trong chương trình kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, huyện có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch. Huyện đang tập trung nhiều nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cấp các công trình giao thông, mời gọi doanh nghiệp và khuyến khích người dân mạnh dạn cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng dừa sáp, bưởi da xanh, cam sành, măng cụt theo hướng an toàn, chất lượng để phục vụ cho du lịch, nâng cao giá trị kinh tế cây trái đặc sản địa phương, làm giàu cho gia đình.