Việc giá dầu trong
tuần này hạ xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua là một tin vui đối với người
tiêu dùng khi giá xăng dầu giảm, nhưng đây chỉ là một điểm nhỏ trong một bức
tranh rộng hơn của suy giảm kinh tế và khả năng suy thoái toàn cầu.
Theo mạng tin
"Oil price", tuần này giá dầu thô ngọt nhẹ New York (Mỹ) đã giảm xuống
dưới mức 90 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent hạ xuống 102 USD/thùng, mức
thấp nhất kể từ quý IV/2011. Việc nhu cầu yếu hơn, nguồn cung mạnh hơn, dấu hiệu
suy giảm của nền kinh tế Mỹ và kinh tế Trung Quốc tăng chững lại, cộng thêm sự
lắng dịu căng thẳng trong vấn đề hạt nhân của Iran đang là những nhân tố khiến
giá dầu thế giới giảm.
Khả năng
xảy ra suy thoái tại Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ khiến giá dầu tiếp tục giảm.
Thêm vào đó, một lý do nữa là sự mạnh lên của đồng USD.
Trong khi đó, không
hài lòng với thực tế rằng chỉ trong vòng 1 tháng qua giá dầu thô đã giảm 15
USD/thùng, Arập Xêút vẫn tiếp tục gây áp lực giảm giá. Xu hướng này là đáng
hoan nghênh, khi giá xăng dầu tại Mỹ đã giảm 27 xu/gallon kể từ đầu tháng 4.
Câu hỏi
được đặt ra là giá dầu thô có thể giảm đến mức nào? Các cuộc đàm phán tại Bátđa
về chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được điều mà các bên chủ chốt hy vọng:
việc nới lỏng sức ép và có thêm thời gian để tránh một cuộc khủng hoảng địa
chính trị. Bên cạnh đó, "vàng đen" cũng giảm giá trong chiến dịch vận
động tranh cử tại Mỹ.
Giờ đây, yếu tố chủ
chốt quyết định đà lên xuống của giá dầu là những dấu hiệu của nhu cầu giảm sút
và suy thoái kinh tế tại châu Âu. Trong tương lai gần, giá dầu chủ yếu sẽ phụ
thuộc vào những gì sẽ xảy ra tại "lục địa già". Một số chuyên gia dự
báo tình hình kinh tế xấu đi tại châu Âu sẽ khiến giá dầu tiếp tục giảm. Trong
khi đó, một số chuyên gia khác tin rằng giá dầu đã giảm đến mức thấp nhất và sẽ
tiếp tục tăng, dù không tăng mạnh, trong thời gian dài hơn.
Thanh Hoa (p/v
TTXVN tại Ốttaoa)