Cụ thể, hai loại dầu chủ chốt đều giảm nhẹ trong phiên 18/1 do lo ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế gây ra tâm lý bi quan giữa các nhà đầu tư.
Thị trường khởi sắc trong phiên tiếp theo, phản ứng trước số liệu cho thấy sản lượng lọc dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên mức kỷ lục trong năm 2020. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tránh được tình trạng kinh tế suy giảm trong năm vừa qua tạo ra hy vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thị trường Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, trong năm nay.
Đà tăng lan tỏa sang phiên 20/1, nhờ hy vọng chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden sẽ ban hành các biện pháp kích thích mới và thực hiện các chính sách nhằm thắt chặt nguồn cung dầu.
Ông Biden, người vừa nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20/1, đã sẵn sàng cho việc tiến hành ngay lập tức các biện pháp nhằm kiểm soát ngành dầu mỏ, trong đó có kế hoạch tham gia trở lại vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy giấy phép của đường ống dẫn dầu Keystone XL và dừng việc khai thác dầu theo kế hoạch ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, đến phiên 21/1, giá "vàng đen" đi xuống sau số liệu do Viện Dầu mỏ Mỹ công bố cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ bất ngờ tăng 2,6 triệu thùng trong tuần trước. Điều này làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu năng lượng, bất chấp việc những hy vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ đã "tiếp sức" cho thị trường.
Ngày 22/1, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/1. Thông tin này tiếp tục đẩy giá hai hợp đồng dầu chủ chốt giảm, với giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch ở mức 55,41 USD/thùng (hạ 1,2%), còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,6% và đóng cửa phiên ở mức 52,27 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,6% và giá dầu WTI lùi 0,2% so với tuần trước.
Chuyên gia Tariq Zahir, nhà quản lý tại Tyche Capital Advisors, nhận xét rằng sự suy yếu gần đây của đồng USD, cùng với quyết định giảm sản lượng của Saudi Arabia là những yếu tố tích cực cho thị trường "vàng đen". Đầu tháng 1/2020, Saudi Arabia cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng nhiều hơn, bắt đầu từ tháng Hai, để bù đắp sản lượng cao hơn từ Nga và Kazakhstan.
Ông Zahir dự đoán giá dầu thô sẽ tiếp tục biến động khá mạnh nhưng vẫn được hỗ trợ phần nào chừng nào Saudi Arabia thực hiện cắt giảm và nếu đồng bạc xanh vẫn yếu. Tuy nhiên, nếu việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục có vấn đề, nhu cầu dầu còn chịu áp lực lớn hơn nữa.
Sự bùng phát trở lại của các ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc và Đông Nam Á cũng làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong ngắn hạn. Trung Quốc ghi nhận ngày thứ 11 nước này phát hiện được hơn 100 ca nhiễm và buộc phải đưa ra các biện pháp phong tỏa lần đầu tiên sau nhiều tháng. Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 22/1 cũng thông báo lần đầu tiên thực hiện phong tỏa, một động thái gợi nhớ đến các biện pháp được sử dụng để chống lại sự bùng phát của dịch SARS cách đây 20 năm.
Nhà phân tích thị trường tại Rystad Energy, ông Louise Dickson cho rằng, sự gia tăng số lượng người mắc COVID-19 ở Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt, không chỉ vì Trung Quốc nằm trong số những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và thị trường giúp giá dầu phục hồi nhiều nhất, mà còn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần. Kỳ nghỉ này theo truyền thống là thời điểm tiêu thụ nhiều nhiên liệu ở Trung Quốc nhưng quốc gia này hiện đang áp dụng các biện pháp hạn chế và khuyến cáo người dân không nên đi du lịch, điều này chắc chắn sẽ ảnh hướng xấu đối với nhu cầu dầu mỏ.
Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây cảnh báo Khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone) có thể rơi vào một cuộc suy thoái kép nếu các đợt "đóng cửa" nền kinh tế kéo dài. Nguy cơ này cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng.