Cụ thể, khép lại phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2016 giảm 1,39 USD, tương đương 3%, xuống 44,9 USD/thùng.
Còn tại London, giá dầu Brent giao tháng 11/2016 cũng mất 1,22 USD, hay 2,5%, và đóng cửa phiên ở mức 47,1 USD/thùng.
IEA, cơ quan tư vấn chính sách năng lượng cho các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ, ngày 13/9 cho biết thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục ở trong trạng thái dư cung ít nhất đến giữa năm 2017, trong bối cảnh tốc độ gia tăng nhu cầu chậm lại đáng kể, cùng với dự trữ tiếp tục đầy lên và nguồn cung gia tăng.
Phát biểu của IEA được đưa ra chỉ một ngày sau khi OPEC công bố báo cáo dự đoán sản lượng của các nước ngoài nhóm này sẽ gia tăng trong nửa đầu năm 2017, tạo thêm mối lo đối với các nhà đầu tư về tình trạng dôi dư nguồn cung toàn cầu - nguyên nhân chính khiến thị trường dầu "lao dốc" trong hơn hai năm qua.
Đồn đoán về khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, cùng với đánh giá của IEA về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ảm đạm, đã xóa tan những kỳ vọng trên thị trường về khả năng các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới có thể đạt được một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng trong cuộc họp tại Algeria vào ngày 26-28/9 tới.
Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố gây áp lực lên thị trường “vàng đen” trong phiên này.
Trong một thông tin khác được Viện Dầu mỏ Mỹ (API) công bố sau khi chốt phiên, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào 9/9 tăng 1,4 triệu thùng, thấp hơn so với mức tăng 3,8 triệu thùng do các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó. Số liệu chính thức sẽ được công bố trong ngày hôm nay (14/9).
Giá vàng giảm phiên thứ 5 liên tiếpTrong phiên giao dịch 13/9, giá vàng giảm phiên thứ 5 liên tiếp giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và giới đầu tư hiện đang đặt dấu hỏi về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới hay không.
Giá vàng kỳ hạn trong phiên này giảm 0,14% xuống 1.323,7 USD/ounce.
Theo số liệu từ CME Group Inc., cơ quan điều hành Sở giao dịch hàng hóa Chicago và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, tỷ lệ các nhà đầu tư chủ chốt dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng này đã giảm từ 24% xuống còn 15% ngay sau khi đón nhận tín hiệu mới từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, hôm 13/9 cho thấy triển vọng trên đã mờ dần.
Hiện thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của FED dự kiến diễn ra trong tuần tới nhằm tìm kiếm thêm định hướng giao dịch.
"Sắc đỏ" bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầuGiá dầu thế giới giảm và triển vọng thiếu chắc chắn về chính sách lãi suất của FED đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ vào "vùng đỏ" phiên thứ ba liên tiếp trong ngày giao dịch 13/9.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,4%, xuống 18.066,75 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 1,5%, xuống 2.127,02 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,1%, đóng cửa ở mức 5.155,25 điểm.
Những dự báo mới đây của OPEC và IEA về nguy cơ kéo dài tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu và triển vọng tiêu thụ yếu kém liên tiếp "đè nặng" lên thị trường năng lượng, đẩy các mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực này đi xuống. Trong phiên 13/9, giá cổ phiếu của ExxonMobil và Chevron đều mất hơn 2%. Apple là mã cổ phiếu duy nhất thuộc Dow Jones tăng giá trong phiên này sau khi ghi nhận số đơn đặt hàng dòng điện thoại mới ra mắt iPhone 7 tăng mạnh. Dự kiến sản phẩm này sẽ được bàn giao đến tay khách hàng bắt đầu từ ngày 16/9 tới.
Ngoài ra, tâm lý bất an của giới đầu tư trước thềm cuộc họp chính sách của FED, dự kiến diễn ra ngày 20-21/9, cũng khiến Phố Wall đỏ sàn. Trước các bình luận trái chiều của một vài quan chức FED thời gian qua, các nhà đầu tư bắt đầu hoang mang về định hướng chính sách của ngân hàng này và lo ngại rằng kịch bản nâng lãi suất sẽ sớm diễn ra. Điều này sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại không có lợi cho các thị trường khác.
Xu hướng ảm đạm của chứng khoán Mỹ trong phiên 13/9 cũng lan sang các thị trường cổ phiếu châu Âu, giữa bối cảnh chỉ số lòng tin của các nhà đầu tư Đức trong tháng 9 không biến động đáng kể so với tháng trước đó, còn chỉ số lạm phát của Anh trong tháng Tám cũng khá ổn định so với cùng kỳ năm 2015. Khép lại phiên này, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,5%, xuống 6.665,63 điểm. Chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,4%, xuống 10.386,60 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Pháp cũng mất 1,2%, đóng cửa ở mức 4.387,18 điểm.