Sáng 8/6, giá dầu trên thị trường châu Á giảm sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp mới đây quyết định duy trì sản lượng ở mức cao. Giới kinh doanh cũng bị áp lực bởi nguồn cung dầu mỏ của Iran có thể tăng nếu các biện pháp trừng phạt quốc gia này được dỡ bỏ.
Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri (giữa) phát biểu trước lễ khai mạc cuộc họp của OPEC tại Vienna, Áo ngày 5/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại thị trường Singapore sáng 8/6, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 7/2015 đã giảm 59 xu Mỹ xuống 58,54 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent giao cùng kỳ hạn cũng giảm 56 xu Mỹ xuống 62,75 USD/thùng.
Kết thúc cuộc họp tại Vienna (Áo) ngày 5/6, các Bộ trưởng Dầu mỏ của 12 quốc gia thành viên OPEC đã quyết định giữ nguyên sản lượng ở mức mục tiêu là 30 triệu thùng/ngày (không thay đổi từ hơn ba năm rưỡi nay), bất chấp một số lời kêu gọi cắt giảm sản lượng từ một vài thành viên trước tình trạng giá dầu đã giảm mạnh từ tháng Sáu năm ngoái tới nay.
Theo Sanjeev Gupta, phụ trách mảng dầu khí khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty tư vấn EY, giá dầu có khả năng sẽ còn biến động trước hạn chót 30/6 - thời hạn để Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết, nước này sẽ tăng xuất khẩu dầu mỏ nếu đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Nhóm P5+1. Iran có kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày trong vòng hai tháng và 1 triệu thùng/ngày trong vòng sáu đến bảy tháng một khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.