Theo đó, công cụ hoán đổi dành cho các cơ quan tiền tệ nước ngoài và quốc tế (FIMA) của FED sẽ cho phép các ngân hàng trung ương đổi trái phiếu Mỹ lấy tiền mặt, thay vì bán chúng với giá rẻ hơn. Cơ chế sẽ được triển khai từ ngày 6/4 này sẽ giúp các thị trường tài chính hoạt động ổn định hơn và duy trì được nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.
Cũng giống như những kênh hoán đổi khác, cơ chế mới nói trên sẽ được áp dụng trong ít nhất 6 tháng. Cơ chế này sẽ giúp các ngân hàng trung ương cho vay qua đêm với lãi suất thấp, để từ đó rót tiền mặt vào các thể chế tài chính tại các nước sở tại, giảm bớt khó khăn tại các thị trường vốn sử dụng USD trên toàn cầu.
Cũng trong ngày 31/3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết ban lãnh đạo IMF đã thông qua một cơ chế mới kéo dài 3 năm cho các thỏa thuận cho vay song phương, qua đó đảm bảo duy trì được khả năng cho vay 1.000 tỷ USD của tổ chức này trong lúc các nước thành viên đang phải nỗ lực chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo IMF, cơ chế mới này giống với cơ chế đã được thông qua vào năm 2016, trong đó cho phép các nước giàu hơn trong IMF có thể cho vay trực tiếp đối với những nước thành viên cần hỗ trợ. Động thái mới nhất này sẽ kéo dài thời gian triển khai các thỏa thuận cho vay song phương từ tháng 12/2020 đến cuối năm 2023. Các thỏa thuận này cũng có khả năng được gia hạn thêm 1 năm nữa đến cuối năm 2024.
Trong khi đó, Chủ tịch Eurogroup Mario Centeno cảnh báo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tan vỡ, nếu chính phủ các nước thành viên không gạt bỏ bất đồng để đạt được nhất trí về một kế hoạch cứu trợ cho Italy và Tây Ban Nha.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh 19 nước thành viên của Eurozone vẫn chưa nhất trí được về kế hoạch giải cứu giúp đảo ngược tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế của khối. Italy và Tây Ban Nha là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, và nằm trong số những nước có số nợ cao nhất trong khu vực. Do đó, hai quốc gia này không đủ tài chính để tự phục hồi kinh tế.
Trong lá thư gửi tới các Bộ trưởng Tài chính châu Âu ngày 30/3, ông Centeno nêu rõ ngân sách quốc gia tại châu Âu đang đối mặt với "cú sốc lớn" có quy mô tương đương dịch bệnh hiện nay. Ông nhấn mạnh tất cả các thành viên đều sẽ gánh khoản nợ lớn hơn sau khủng hoảng, song hậu quả lâu dài của nó không nên là nguồn cơn của sự chia rẽ.
Dự kiến các Bộ trưởng Tài chính EU sẽ có cuộc họp trực tuyến vào ngày 7/4 tới và các bên sẽ có thời gian đến ngày 12/4 tới để đạt được nhất trí về hướng đi tiếp theo.