Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổ chức Nông, Lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức hội nghị Xây dựng khung chương trình hợp tác Việt Nam - FAO giai đoạn 2012 - 2016.
Cải thiện sinh kế khu vực nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên của FAO. Ảnh kinhtenongthong.com.vn |
Khung chương trình quốc gia này sẽ là định hướng cho các hoạt động của FAO tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Việt Nam cần có CPF nhằm đưa ra định hướng chiến lược trung hạn, liên kết với các hoạt động của Chính phủ. Mục đích của CPF là xác định lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và hình thành kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2016.
Dựa trên thế mạnh và kinh nghiệm đã có, FAO đã xây dựng và triển khai CPF với đề xuất 4 lĩnh vực ưu tiên gồm: An ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; Phát triển nông nghiệp bền vững (hướng tới hiệu quả và cạnh tranh) và quản lý tài nguyên thiên nhiên; Cải thiện sinh kế khu vực nông thôn; Các vấn đề về môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu.
FAO tập trung vào hỗ trợ các giải pháp phát triển dài hạn như: xây dựng hệ thống luật, chiến lược chính sách thu hút nguồn lực từ các nhà tài trợ đầu tư vào các lĩnh vực phát triển; tập trung nguồn vốn đầu tư vào một số dự án, chương trình chính mang tính đột phá tái cấu trúc ngành nông nghiệp, nông thôn; chấm dứt các dự án đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa bàn nhỏ lẻ, không mang tính chiến lược; dành khoảng 20- 30% nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các vấn đề cấp bách mới nảy sinh mà ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có năng lực xử lý, ví dụ như dịch bệnh, an toàn sinh học…
FAO cũng tiếp tục thực hiện lồng ghép các nội dung y tế, tài nguyên môi trường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong các hoạt động phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam .
Theo đánh giá của nhóm hỗ trợ xây dựng CPF, thời gian qua, tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu nhờ mở rộng diện tích, tăng vụ, đầu tư thêm vật tư. Khi đầu vào của sản xuất đến giới hạn thì mức tăng trưởng nông nghiệp cũng bị chậm lại dần. Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2005 là 4,2%, đến năm 2010 giảm còn 2,78%.
Cùng với đó, hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản còn chưa cao, chưa hình thành được hệ thống phân phối lưu thông theo từng chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh. Những bất lợi về kết cấu hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất cũng làm giảm khả năng cạnh tranh…
Hoàng Tùng