EVN chủ trương xóa bỏ bán điện qua hình thức câu phụ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, câu chuyền, chia hơi), tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính của ngành điện, với tiến độ hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2020.

Theo đó, nội dung này cũng được các Tổng công ty điện lực; trong đó có Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) triển khai quyết liệt đến các Công ty Điện lực.

Với mục tiêu của việc xóa câu phụ là để các hộ gia đình được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Điện lực, được hưởng khung giá điện thống nhất trong toàn quốc, không phải trả tiền điện cho chủ công tơ chính với giá cao hơn trước đây, ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải cho biết, đa số các khu vực khi xóa câu phụ thì phải xây dựng lưới điện hạ thế mới nên chất lượng điện sẽ tốt hơn rất nhiều so với trước.

Công nhân Chi nhánh Lưới điện cao thế Điện Biên thay mới máy cắt trạm biến áp 110kV Điện Biên. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Cũng theo ông Huỳnh Minh Hải, do hàng năm nguồn vốn được phân bổ có hạn nên Công ty Điện lực Sóc Trăng phải thực hiện dần việc xóa câu phụ theo suất đầu tư và nguồn vốn phân bổ từ cấp trên. Đơn cử như năm 2016, công ty đã xóa 4.620 hộ câu phụ (có suất đầu tư không quá 2 triệu đồng/hộ) với tổng chi phí thực hiện là 8,4 tỷ đồng.

Năm 2017 vừa qua, công ty tiếp tục xóa thêm 2.654 hộ câu phụ (có suất đầu tư không quá 3 triệu đồng/hộ) với tổng chi phí thực hiện 7,3 tỷ đồng. Trong năm 2018 này, công ty đã thống kê và đăng ký nguồn vốn với EVN SPC là 21,3 tỷ đồng để giải quyết xóa 5.345 hộ câu phụ có suất đầu tư không quá 4 triệu đồng/hộ.

”Hiện nay chúng tôi đã hoàn tất phương án và đang chờ khi được Tổng công ty phân bổ nguồn vốn sẽ triển khai thực hiện ngay”, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng nói.

Qua thống kê của EVN SPC, để xóa được hoàn toàn các hộ sử dụng điện theo hình thức câu phụ trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam, giai đoạn 2016-2020, EVN SPC cần bố trí nguồn vốn đầu tư 6.187 tỷ đồng; trong đó chi phí đầu tư mới là 5.322 tỷ đồng, chi phí cải tạo lưới điện là 257 tỷ đồng, chi phí gắn công tơ khách hàng là 608 tỷ đồng với số hộ câu phụ được xóa là 365.962 hộ.

Chỉ riêng trong hai năm 2016-2017, EVN SPC đã bố trí 295 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng và chi phí sản xuất kinh doanh điện để xóa 153.212 hộ sử dụng điện qua câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 2 triệu đồng/hộ và 3 triệu đồng/hộ. Năm 2018, EVN SPC dự kiến bố trí khoảng 194 tỷ đồng để tiếp tục xóa 49.130 hộ câu phụ có suất đầu tư dưới 4 triệu đồng/hộ.

Như vậy, để xóa hết các hộ câu phụ đến cuối năm 2020 thì trong hai năm 2019-2020, EVN SPC cần bố trí nguồn vốn đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, địa bàn hoạt động của EVNSPC nằm ở các tỉnh phía Nam, có đa số là các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, khu kháng chiến cũ, phần lớn diện tích đất là đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, các hộ sinh sống không tập trung nên rất khó cho việc đầu tư xây dựng.

Một nguyên nhân nữa là do các hộ dân cư ở xa hoặc mới phát triển, lưới điện chưa theo kịp, nên các hộ trong khu vực này phải kéo dây từ một hộ đã có công tơ điện riêng. Vì vậy, hiện nay vẫn còn nhiều số hộ vùng “lõm”, lưới điện hạ thế chưa đến được, người dân vẫn đang sử dụng điện qua đường dây câu đuôi, với giá điện tự thỏa thuận với chủ công tơ điện.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay theo EVN SPC là với khối lượng đầu tư lưới điện nông thôn để xóa câu phụ là rất lớn như trên, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng của EVN SPC là rất hạn hẹp, khả năng hiện có chỉ đủ bố trí xóa hộ câu phụ tại các khu vực với chi phí thấp.

Bên cạnh đó, có rất nhiều khu vực xóa câu phụ đang nằm trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết đính số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc xóa câu phụ ảnh hưởng đến khối lượng đầu tư và phụ thuộc vào tiến độ của Dự án 2081.


Ngoài ra, theo ông Nguyễn Phước Đức, các khu vực có hộ câu phụ có khoảng cách từ công tơ đến nhà khách hàng xa và lưới điện sau công tơ do người dân tự đầu tư chưa đảm bảo kỹ thuật nên gây sụt áp, ảnh hưởng đến chất lượng điện, nhất là đối với một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, ở các khu vực chưa có điện thì đây cũng là nơi các cử tri, đại biểu Quốc hội thường có ý kiến phản ánh về việc cung cấp điện của EVN SPC.    

Để đạt được mục tiêu xóa hết hộ câu phụ đến cuối năm 2020, ông Nguyễn Phước Đức cho rằng bên cạnh việc bắt buộc phải hoàn thành đúng tiến độ các dự án đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, đặc biệt là hoàn thành Dự án 2081 (có rất nhiều hộ câu phụ nằm trong Dự án 2081), thì EVN SPC cần phải tìm kiếm, cân đối nguồn vốn khoảng 5.700 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các dự án/hạng mục công trình xóa câu phụ, với tiến độ hoàn thành cuối năm 2020.

Do đó, EVN SPC tiếp tục kiến nghị EVN xem xét bố trí bổ sung các nguồn vốn để triển khai xóa câu phụ theo chủ trương chung của Tập đoàn. Trước mắt trong năm 2018, EVN SPC tiếp tục cân đối các nguồn vốn khấu hao cơ bản và chi phí sản xuất kinh doanh để phân bổ bổ sung cho các Công ty Điện lực  thực hiện xóa câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 4 triệu đồng/hộ.

Cũng theo EVN SPC, các giải pháp cấp vốn cho các Công ty Điện lực thực hiện xóa câu phụ chi phí thấp trong các năm 2016-2018 chỉ là giải pháp tình thế. Dự kiến đến hết năm 2018 thì các khu vực xóa câu phụ chi phí thấp sẽ không còn nữa và suất đầu tư cho các hộ câu phụ còn lại phải xóa trong các năm 2019-2020 là rất lớn, gần tương đương với suất đầu tư của Dự án 2081 (khoảng từ 40 đến 50 triệu đồng/hộ), đến khi đó  EVN SPC sẽ gặp khó trongcân đối nguồn vốn tự có để thực hiện.

Để giải quyết căn cơ công tác này và hoàn thành mục tiêu xóa câu phụ đến cuối năm 2020, EVN SPC cũng kiến nghị EVN và các bộ ngành có chủ trương thực hiện đầu tư để thực hiện dự án (với cơ chế tương tự như Dự án 2081).

Mai Phương (TTXVN)
EVN đảm bảo cung ứng điện trong các tháng mùa khô
EVN đảm bảo cung ứng điện trong các tháng mùa khô

Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ khai thác cao các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí, đồng thời khai thác các hồ chứa thủy điện theo biểu đồ điều tiết, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du và vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện than.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN