Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, hãng tin Đức DPA ngày 6/8 dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một hội nghị triển khai kế hoạch thực thi EVFTA, nêu rõ hiệp định này sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường, đồng thời cho biết EVFTA sẽ đảm bảo các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu.
DPA cũng dẫn lời ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, cho hay theo một cuộc khảo sát, có tới 74% các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tin tưởng EVFTA sẽ có tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của họ. Theo ông Bouflet, trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch viêm đưởng hô hấp cấp COVID-19, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư, tạo ra nhưng cơ hội dài hạn và định hình mối quan hệ giữa EU và Việt Nam trong 10 năm tới. Ông cũng nhấn mạnh EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp châu Âu cơ hội tiếp cận một trong những thị trường tiêu dùng sôi động nhất ở Đông Nam Á và tạo sự cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng với các nước khác đã ký FTA với Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việc EVFTA bắt đầu có hiệu lực đã được truyền thông các nước châu Âu như Đức, Áo, Thụy Sĩ,... đề cập nhiều trong những ngày qua, trong đó nhấn mạnh cơ hội lớn cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường cửa ngõ Đông Nam Á. Tạp chí Công nghiệp Áo (Industriemagazin.at) dẫn lời ông Christoph Neumayer, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp Áo khẳng định EVFTA là nền tảng cho việc tiếp cận các thị trường tương lai của các doanh nghiệp châu Âu. Theo ông Neumayer, thỏa thuận này giúp mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản thương mại và có ý nghĩa lớn đối với tăng trưởng bền vững và việc làm ở châu Âu. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Kinh tế Áo Margarete Schramböck, EVFTA là động lực quan trọng cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Áo và mở cánh cửa cho các doanh nghiệp của nước này cũng như châu Âu thâm nhập những thị trường tăng trưởng mạnh như Việt Nam.
Trang tin tài chính onvista.de của Đức cho rằng với EVFTA, các doanh nghiệp châu Âu có thể tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn. Báo Neues Deutschland của Đức đưa tin ban lãnh đạo cảng Hamburg ở Đức rất hào hứng khi EVFTA có hiệu lực, cho rằng thương mại song phương sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ điều này. Trong năm 2019 có khoảng 106.000 container tiêu chuẩn (TEU) được vận chuyển giữa cảng Hamburg và các cảng của Việt Nam, con số ở mức kỷ lục từ trước đến nay.
Theo trang tin nuernberger-blatt.de của Đức, sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế đối với thịt bò và dầu ôliu sẽ được dỡ bỏ sau 3 năm, trong khi thời hạn tối đa là 5 năm đối với các sản phẩm sữa, trái cây và rau quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết bảo vệ 169 loại thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu. Cũng theo trang tin này, kim ngạch thương mại của EU với Việt Nam năm 2019 đạt 45,5 tỷ euro, theo đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Singapore, của EU ở Đông Nam Á.