EU, IMF hoan nghênh cam kết của G20 đối phó với những thách thức toàn cầu

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc ngày 22/11, giới chức Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoan nghênh cam kết tập thể của các nhà lãnh đạo các nước G20 đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những thách thức về kinh tế do đại dịch gây ra.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nội dung đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết: “Chúng tôi nhất trí sự cần thiết phải hợp tác đa phương, đoàn kết và hành động toàn cầu nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Bà  Ursula von der Leyen hoan nghênh sáng kiến của G20 hoãn thanh toán nợ cho những nước nghèo nhất thế giới và gia hạn sáng kiến đến tháng 6/2021.   

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải duy trì vị thế là trụ cột phối hợp toàn cầu để đương đầu với những tình trạng khẩn cấp về y tế. Ông Michel cũng kêu gọi tất cả các nước cũng như các cơ quan và tổ chức của Liên hợp quốc (LHQ), đặc biệt là WHO, đàm phán để nhất trí một hiệp định toàn cầu về đại dịch, cho rằng hiệp định này có thể giúp thế giới phản ứng nhanh hơn và đồng bộ hơn cũng như ngăn nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai.  

Trong tuyên bố sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá cao các nước G20 đã thực hiện những hành động chưa từng thấy để giảm tác động của đại dịch COVID-19, trong đó có những biện pháp về tài chính và tiền tệ, giúp ngăn chặn nguy cơ phá sản hàng loạt và cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.

Nhấn mạnh thế giới vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng, Tổng Giám đốc IMF hối thúc lãnh đạo các nước G20 duy trì chính sách kinh tế vĩ mô đối với các doanh nghiệp và lao động cho đến khi các nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế. Bà Georgieva nhấn mạnh các nước cần chuẩn bị kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng xanh, đồng bộ và số hóa nhằm kích thích tăng trưởng, hạn chế tác động tiêu cực và đạt được những mục tiêu về khí hậu. 

Người đứng đầu IMF cũng kêu gọi lãnh đạo các nước G20 khôi phục hệ thống thương mại quốc tế và tăng cường hệ thống thuế toàn cầu, cũng như thúc đẩy sự chuyển dịch sang “nền kinh tế khí hậu mới”, theo đó vừa đạt tăng trưởng vừa loại bỏ những rủi ro do biến đổi khí hậu. Về vấn đề vaccine phòng COVID-19 trong tương lai, bà Georgieva lưu ý các nước phải đảm bảo vaccine được phân phối đến mọi nơi và mọi đối tượng. IMF ước tính vaccine có thể giúp thu nhập toàn cầu gia tăng gần 9.000 tỷ USD vào năm 2025.

Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến do Saudi Arabia chủ trì, diễn ra trong hai ngày 21 - 22/11. Theo Tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị, lãnh đạo các nước G20 cam kết "nỗ lực hết sức" để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, cũng như hỗ trợ nền kinh tế của các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch toàn cầu này.

Nguyễn Hằng  (TTXVN)
Chủ tịch G20 năm 2021 xác định 3 trụ cột xây dựng tương lai bền vững
Chủ tịch G20 năm 2021 xác định 3 trụ cột xây dựng tương lai bền vững

Ngày 22/11, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định, trên cương vị chủ tịch G20 năm 2021, Italy sẽ tập trung vào 3 trụ cột "con người, hành tinh và thịnh vượng" để xây dựng một tương lai bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN