Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Air France sẽ phải từ bỏ khoảng 18 vị trí đậu đỗ tại sân bay Orly ở thủ đô Paris để đảm bảo cạnh tranh công bằng. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager nhấn mạnh điều này mang lại cho các hãng hàng không cơ hội mở rộng hoạt động của họ tại sân bay này, đảm bảo giá cả hợp lý và tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng châu Âu.
Trước đó, ngày 4/4, Chính phủ Pháp thông báo đã đạt được một thỏa thuận với EC cho phép "bơm" thêm tiền cho hãng hàng không Air France. Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tuần đàm phán cam go giữa Pháp với EC. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Air France, hãng có 14,3% cổ phần do Chính phủ Pháp nắm giữ, sẽ phải từ bỏ một số vị trí đậu đỗ tại Orly, sân bay lớn thứ hai của Pháp, để đổi lấy sự đồng ý của Brussels. Bộ trưởng Le Maire đánh giá thỏa thuận đạt được với EC là "tin tốt lành đối với Air France và đối với toàn ngành hàng không Pháp".
Giống như các hãng hàng không khác trên thế giới, hoạt động kinh doanh của Air France trong năm 2020 thua lỗ tới 7,1 tỷ euro (8,4 tỷ USD) do các biện pháp phòng dịch, trong đó có việc hạn chế hoạt động giao thông đường không. Tuần trước, Chính phủ Pháp đã gia hạn các biện pháp phòng dịch trên cả nước thêm ít nhất 1 tháng, trong bối cảnh Pháp đang phải trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 3 khiến số ca mắc mới mỗi ngày lên tới 40.000, gấp đôi so với con số tháng trước.
Kế hoạch cứu trợ của Chính phủ Pháp dành cho Air France được đưa ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng do đà phục hồi kinh tế yếu hơn so với kỳ vọng. Bộ trưởng Tài chính Le Maire cho biết thâm hụt ngân sách hằng năm của Pháp dự kiến chiếm tới 9% GDP trong năm 2021, cao hơn so với con số 8,5% được đưa ra trong kế hoạch ngân sách 2021 của Chính phủ Pháp và giới hạn thâm hụt ngân sách 3% mà các quốc gia thành viên EU phải tuân thủ nhưng đã được bỏ qua trong bối cảnh các nước phải đối phó với đại dịch COVID-19.