ECB đã đưa ra một loạt biện pháp nới lỏng các yêu cầu đối với tài sản thế chấp để "đảm bảo các ngân hàng có đủ tài sản có thể huy động làm tài sản thế chấp ...và tiếp tục cấp vốn cho nền kinh tế khu vực Eurozone".
Cùng với việc tăng quy mô chương trình mua trái phiếu "nới lỏng định lượng" (QE) lên 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) trong năm nay, ECB sẽ cung cấp cho các ngân hàng quyền tiếp cận lượng tiền mặt lớn thông qua các khoản vay lãi suất thấp. Mục đích là để duy trì dòng tín dụng chảy vào nền kinh tế thực nhằm giảm bớt tác động tài chính do việc đóng cửa họat động để ngăn chặn dịch COVID gây ra.
Tuy nhiên, để tiếp cận với nguồn thanh khoản đó, các ngân hàng vẫn cần phải mang tài sản đi thế chấp, thường dưới hình thức nợ chính phủ hoặc các khoản nợ khác trên sổ sách. Thông thường, các khoản nợ đó phải được các cơ quan xếp hạng tín dụng như Moody's hoặc Standard & Poor's (S&P) đánh giá trên một mức nhất định.
Nếu nợ chính phủ hoặc các khoản nợ khác bị hạ cấp xuống tình trạng "vô giá trị", thì nó sẽ không được dùng làm tài sản thế chấp, khiến các ngân hàng gặp khó khăn với việc đi vay và có khả năng buộc họ bán nợ, qua đó kéo hoạt động kinh tế xuống.
ECB cho hay trong tương lai, ngân hàng này có thể quyết định khi nào cần thiết để thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm giảm thiểu hơn nữa tác động của việc hạ bậc xếp hạng.