Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được bàn giao cho Hà Nội từ ngày 6/11

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông chiều 4/11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông tin sẽ bàn giao công trình cho TP Hà Nội từ ngày 6/11 để khai thác, phục vụ người dân.

Khai thác như thế nào?

Theo kế hoạch, ngày 6/11, Bộ GTVT sẽ bàn giao cho TP Hà Nội dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông để khai thác, phục vụ người dân Thủ đô. Sau khi bàn giao, hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể được đưa vào khai thác, vận hành ngay. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ miễn phí cho tất cả hành khách đi tàu trong 15 ngày đầu vận hành. 

Chú thích ảnh
Ga đầu tuyến Cát Linh.

Trước đó, ngày 29/10, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) tổ chức kiểm tra hiện trường, họp đánh giá kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông báo, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, công tác kiểm tra kết quả nghiệm thu, báo cáo của Bộ GTVT, kết quả khắc phục tồn tại trong quá trình thực hiện dự án, Hội đồng đã chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa công trình vào khai thác giai đoạn đầu.

Chú thích ảnh
Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km đi hoàn toàn trên cao, trên tuyến có 12 nhà ga; điểm đầu và cuối tuyến ga Cát Linh (phố Cát Linh, quận Ba Đình, Hà Nội) và ga Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông). Dự án có 13 đoàn tàu, dự kiến giai đoạn đầu sẽ khai thác 4 - 6 đoàn tàu, với thời gian 10 - 15 phút/chuyến.

Sau 15 ngày đầu vận hành miễn phí, giá vé tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Chú thích ảnh
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hy vọng giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị.

Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.

Kết nối khép kín với xe buýt 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận dự án, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức đồng thời các tuyến xe buýt kết nối ngay với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. 

Chú thích ảnh
Xe buýt tại Bến xe Yên Nghĩa sẵn sàng vận chuyển hành khách kết nối từ đường sắt trên cao. 

Cụ thể, tại vị trí 12 nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sẽ bố trí các tuyến xe buýt kết nối ở mức thuận tiện, để hành khách đi lại thuận lợi, trung chuyển từ đường sắt sang xe buýt. Dưới chân các nhà ga đều được bố trí điểm dừng xe buýt, các biển báo cho phép ô tô con, taxi dừng đỗ. Tại ga Yên Nghĩa được bố trí cầu vượt đi bộ kết nối trực tiếp với các tuyến buýt có điểm đầu cuối tại Bến xe Yên Nghĩa.

Chú thích ảnh
Điểm chờ xe buýt kết nối tuyến đường sắt dọc tuyến.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 52 tuyến buýt (bằng gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng buýt Hà Nội) công cộng kết nối. Tại ga Yên Nghĩa có 21 tuyến buýt kết nối gồm: 01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 66, 72, 89, 91, 102, CNG02, BRT, CNG07, 114, 123, 124, 75, 213, 214), với 19 tuyến buýt có điểm đầu cuối và 2 tuyến chạy qua là số 37, 57.

Chú thích ảnh
Các tuyến xe buýt kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Các tuyến buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến buýt kết nối ra khu vực ngoại thành (Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Túc, Vân Đình, Thanh Oai, Xuân Mai, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất…) và các tuyến buýt kết nối với khu vực nội thành đi vào trung tâm thành phố.

Chú thích ảnh
Điểm chờ xe buýt tại ga đầu tuyến Cát Linh.

Một số điểm xe buýt cũng được bổ sung cách khu vực ga đường sắt không quá 500 m, để tạo điều kiện cho hành khách tiếp nối, từng bước giảm và hạn chế phương tiện cá nhân nếu di chuyển bằng tàu đường sắt. Bên cạnh đó, các biển báo cho phép xe ô tô con, xe taxi đỗ không quá 5 phút cũng được thiết lập dày đặc tại các khu vực ga đường sắt để phục vụ nhu cầu của hành khách.

Ngoài ra, tại ga đầu Yên Nghĩa và ga cuối Cát Linh, Sở GTVT Hà Nội cũng đã bố trí khu vực trông giữ xe để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng vận tải hành khách công công cộng. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, khu vực hai ga đầu, cuối tuyến đường sắt là ga Cát Linh và ga Yên Nghĩa có năng lực vận chuyển buýt lớn, đủ đáp ứng giải tỏa khách đi bằng tàu đường sắt.

Để đưa tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội đảm bảo đội ngũ nhân sự, cấp giấy phép lái tàu cho 36 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ tại Trung Quốc và trong nước đủ điều kiện tiêu chuẩn. 
Vân Sơn/Báo Tin tức
Sẽ khánh thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước 10/11
Sẽ khánh thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước 10/11

Liên quan đến việc bàn giao tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông từ Bộ Giao thông vận tải cho UBND Hà Nội để vận hành khai thác thương mại, trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết vẫn đang rà soát và thống nhất ngày bàn giao, nhưng dự án này sẽ được khánh thành đưa vào khai thác thương mại trước ngày 10/11/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN